Kinh tế

Giá cả thị trường

Từ 2021, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hàng tỉ kWh điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Không để nước đến chân mới nhảy, không để công bố thiếu điện. Tôi từng nói lãnh đạo cơ quan hay đơn vị nào có chức năng sản xuất cung ứng điện, nếu không đảm bảo cung cấp điện thì mất chức chứ không bình thường'.
 
Công trình năng lượng sạch kết hợp điện gió, điện mặt trời lớn nhất Việt Nam hiện nay tại Ninh Thuận đã thêm vào lưới điện quốc gia tổng công suất 356 MW/năm - Ảnh: TỰ TRUNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8-11, đồng thời đề nghị Quốc hội, địa phương, cấp ngành phát động phong trào sử dụng tiết kiệm điện để có nguồn bền vững, lâu dài.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 7-11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận "việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ thì nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là rất hiện hữu".
Từ năm 2021 sẽ bắt đầu thiếu điện?
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết doanh nghiệp (DN) này đang gặp nhiều khó khăn khi vận hành hệ thống điện trong 3 tháng cuối năm và năm 2020 do nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Huy động nguồn từ thủy điện gặp khó do nhiều hồ đang ở gần mực nước chết.
Việc cung ứng than cho phát điện cũng chẳng khá hơn trong khi nguồn khí trong nước đã suy giảm... Để đảm bảo cho phát điện, EVN đã phải huy động nguồn chạy dầu với 178 triệu kWh, giá thành điện bị đội lên. Trong khi đó, nguồn điện tái tạo đưa vào vận hành và tăng trưởng cao, gây ảnh hưởng đến an toàn vận hành và ổn định hệ thống điện...
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh), mỗi năm sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỉ kWh. Theo tính toán của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỉ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỉ kWh (tương ứng 5% nhu cầu).
Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu điện là do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch. Có thể kể một số dự án của EVN chậm tiến độ như Quảng Trạch 1 (chậm khoảng 2 năm), thủy điện Hòa Bình mở rộng và Ialy mở rộng (chậm 2-4 năm), nhiệt điện Ô Môn IV (chậm khoảng 2 năm), Ô Môn II (chậm khoảng 5 năm)...
Nhiều dự án điện của PVN cũng chậm tiến độ ít nhất 3 năm như Thái Bình 2, Sông Hậu 1 và Long Phú 1, Nhơn Trạch 3 và 4. Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản cũng có 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên như Na Dương 2, Quỳnh Lập 1...
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng với nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu, Bộ Công thương và Chính phủ phải đưa ra giải pháp kịp thời. "Những dự án đã đủ điều kiện tại sao không đôn đốc kịp thời, ngày đêm cũng phải làm để trình lên Chính phủ phê duyệt, rồi đưa ra những giải pháp có tính khả thi..." - ông Hùng nói.
 
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN, một trong các dự án bị chậm tiến độ - Ảnh: TIẾN THẮNG
Cho phép tư nhân đầu tư vào truyền tải điện?
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 7-11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết ngoài việc xây dựng quy hoạch điện VIII với quan điểm đổi mới hơn, tới đây sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch điện VII, tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung các dự án điện khí.
Đặc biệt, xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện và phải tập trung để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện chậm tiến độ như nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1...
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đã xong thủ tục đầu tư để sớm thực hiện đầu tư như các dự án cụm nhiệt điện Vân Phong 1, cụm Nghi Sơn, cụm Nhơn Trạch, cụm Quảng Trạch; đẩy nhanh tiến độ các dự án chuỗi điện khí Cá Voi Xanh và lô B...; bổ sung quy hoạch, bao gồm cụm Sơn Mỹ, Long Sơn, Cà Ná, Bạc Liêu...
Trước mắt, ngoài việc nhập khẩu điện để bổ sung nguồn thiếu hụt, ngành điện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án truyền tải điện, trong đó có đường dây 500kV mạch 3 và đường truyền tải giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, do trong nội dung của Luật đầu tư và Luật điện lực có quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, nên không thể chủ động để đa dạng hóa được mô hình đầu tư trong các hệ thống truyền tải điện nhằm nâng cao năng lực giải tỏa công suất.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần phải hiểu độc quyền truyền tải là độc quyền về quản lý, còn liên quan đến đầu tư sẽ phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam - cho biết nếu được Chính phủ đồng ý, DN này sẵn sàng tham gia xây dựng đường dây truyền tải điện ở khu vực mà DN đang có dự án.
DN này cũng đang đề xuất với Chính phủ và Bộ Công thương cho phép tư nhân đầu tư trạm biến áp và đường dây 500kV để giải tỏa công suất của khoảng 20 dự án năng lượng tái tạo ở tỉnh Ninh Thuận thời gian qua bị cắt giảm công suất.
Theo đó, DN này sẽ đầu tư đường dây truyền tải dài khoảng 17km từ Thuận Nam về Vĩnh Tân (Ninh Thuận) và đường dây truyền tải này cũng nằm trong quy hoạch của Chính phủ.
"Nếu xây dựng 17km đường dây 500kV này, Nhà nước phải bỏ ra thêm 4.000 tỉ đồng, trong khi đó nếu để tư nhân xây dựng thì Nhà nước sẽ không mất khoản đầu tư rất lớn trên và phát huy được nguồn lực xã hội hóa" - ông Tiến khẳng định.
 
Năm 2021: nhập điện từ Trung Quốc sẽ lên tới 3,6 tỉ kWh/năm
Bộ Công thương cho biết đã có báo cáo Thủ tướng để giai đoạn 2021-2022 mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu với Trung Quốc và giữ nguyên giá điện.
EVN cũng đã đàm phán với phía Trung Quốc, tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc lên 3,6 tỉ kWh/năm từ năm 2021 với giá điện giữ nguyên như hợp đồng hiện nay. Giai đoạn 2023-2025 sẽ nâng tổng công suất nhập khẩu tại Lào Cai và Hà Giang lên 2.000 MW, sản lượng khoảng 7-9 tỉ kWh/năm. Mức giá mua điện từ Trung Quốc trung bình với các nhà máy nhiệt điện than là 7 cent/kWh.

Theo biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Lào ký ngày 5-10-2016 và hiệp định ký kết giữa Việt Nam và Lào về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện, công suất trao đổi tối thiểu giữa Việt Nam - Lào đến năm 2020 khoảng 1.000 MW, đến năm 2025 khoảng 3.000 MW và đến 2030 khoảng 5.000 MW. Theo đó, mức giá điện nhập từ Lào và mức trần được xác định: thủy điện là 6,95 cent/kWh và nhiệt điện than là 7,02 cent/kWh.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):
Giải quyết nhanh vướng mắc Luật quy hoạch
Đến nay có trên 260 DN đăng ký các dự án về năng lượng tái tạo chưa thể triển khai do những vướng mắc trong Luật quy hoạch. Do đó, Chính phủ và Bộ Công thương cần giải quyết nhanh những vướng mắc trong Luật quy hoạch để bổ sung những dự án này, sớm triển khai xây dựng, tận dụng những lợi thế của nguồn điện sạch.
Nguồn năng lượng sạch từ số lượng dự án nêu trên sẽ bổ sung đáng kể vào cơ cấu nguồn điện quốc gia. Ngoài ra, trong các dự án trọng điểm mà Chính phủ đang tập trung triển khai đều liên quan đến điện như các dự án nhiệt điện, điện khí, cùng các dự án năng lượng tái tạo, nếu sớm đưa vào hoạt động sẽ phần nào giải quyết nguy cơ thiếu điện.
Ông Nguyễn Phước Đức (tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVN SPC):
Phải tiết kiệm điện
Sản lượng điện sử dụng của 21 tỉnh thành miền Nam do EVN SPC phụ trách tăng 9,5-10% mỗi năm. Vào thời gian cao điểm mùa nắng nóng tháng 4-2019, lượng điện năng tiêu thụ của người dân đạt 14.400 MW.
Tuy nhiên, EVN SPC chỉ là đơn vị phân phối, không quản lý nhà máy điện nên không tổ chức huy động được nguồn để bù đắp lượng điện thiếu hụt. Do đó, công ty chỉ tổ chức tuyên truyền người dân tiết kiệm và điều hòa phụ tải vào thời gian cao điểm.
Ngoài ra, EVN SPC sẽ triển khai một số giải pháp khác như tổ chức thí điểm vận động các nhà máy có công suất lớn giảm hoạt động vào giờ cao điểm, khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời để giảm lượng tiêu thụ điện năng từ lưới điện quốc gia. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10, EVN SPC đã tiết kiệm được 1,1 tỉ kWh. (LÊ PHAN)
Ông Lê Khánh Mạnh (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Delco, Hà Nội):
Doanh nghiệp sợ nhất là mất điện
Thông tin về nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới khiến các DN cảm thấy lo lắng. DN sợ nhất là mất điện, bởi điện được ví như là "linh hồn" của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu thiếu điện, kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí bị phá sản.
Hầu hết các DN đã áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa hoàn toàn dây chuyền sản xuất chứ không còn thủ công như trước đây nữa. Nếu thiếu điện chỉ 1 phút, sản xuất sẽ phải dừng. Tiến độ sản xuất bị chậm, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng... thì việc bị khách hàng phạt, thậm chí còn bị kiện là điều đương nhiên xảy ra. Vì lý do mất điện không được xem là thiên tai, bất khả kháng.

Chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nên tuyệt đối không để thiếu điện. Chúng tôi cũng đang xây dựng nhà máy cho một số DN FDI đang đầu tư ở VN. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn điện, luôn đặt câu hỏi điện được đảm bảo như thế nào? Một năm điện bị mất mấy lần và cắt điện có báo trước?... (L.THANH)

Ngọc An-Ngọc Hiển (TTO)

Có thể bạn quan tâm