Giáo dục

Từ 2025, các kỳ thi riêng tuyển sinh vào ĐH có gì mới?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Năm 2025, hình thức tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Đáng chú ý, các kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh có những điều chỉnh quan trọng về cấu trúc đề thi và cho phép thí sinh lựa chọn môn thi.

THÊM MÔN MỚI, CHO THÍ SINH LỰA CHỌN

Nhiều trường ĐH tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh cho năm 2025. Được thiết kế cho lứa học sinh đầu tiên của Chương trình GDPT mới, các kỳ thi này có những điều chỉnh để trở nên phù hợp hơn.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2024

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2024

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ĐH này đang chuẩn bị để có thể công bố sớm nhất thông tin chính thức về kỳ thi và đề minh họa đánh giá năng lực từ năm 2025. Theo đó, đề minh họa sẽ được công bố trên tinh thần định hướng những điểm mới đã được công bố trước đó. Cụ thể, triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS) tham dự.

Bên cạnh đó, kỳ thi sẽ có những điều chỉnh về cấu trúc đề thi để phù hợp với sự thay đổi của chương trình mới. Cụ thể, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Phần 1 và phần 2 TS bắt buộc trả lời tất cả các câu hỏi. Sự điều chỉnh của cấu trúc đề thi nằm ở phần 3 khi cho phép TS lựa chọn ngẫu nhiên 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực kiến thức gồm: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Như vậy, so với cấu trúc bài thi đánh giá năng lực từ năm 2024 trở về trước, cấu trúc bài thi từ năm 2025 sẽ có 2 điểm mới. Thứ nhất là sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực mới xuất hiện trong Chương trình GDPT 2018 liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật. Thứ hai, TS được lựa chọn môn thi thay vì bắt buộc trả lời tất cả các câu hỏi trong phần 3 như bài thi cũ. Điều chỉnh này sẽ kéo theo những thay đổi trong cách thức xét tuyển các trường ĐH từ kết quả kỳ thi này trong năm sau.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội hiện đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025. Theo thông tin công bố của Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, đề tham khảo được thiết kế phục vụ học sinh theo học Chương trình GDPT mới từ năm 2025 gồm 2 phần thi bắt buộc và một phần lựa chọn. Theo đó, 2 phần thi bắt buộc gồm: 50 câu hỏi toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi văn học - ngôn ngữ.

Cũng như bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, phần thi thứ 3 của bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội cho phép TS lựa chọn khoa học hoặc tiếng Anh. TS chọn 3 trong 5 chủ đề vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Theo Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, câu hỏi trong đề thi có khoảng trên 75% trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 là bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực TS từ cấp độ thấp đến cấp độ cao theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực.

Đặc biệt điểm khác trong cấu trúc đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2025 là bên cạnh phần thi khoa học sẽ có thêm phần thi tiếng Anh để TS đăng ký các ngành học liên quan ngôn ngữ có thể lựa chọn. Đa phần các trường ĐH sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực có thể nhận hồ sơ theo tổng số điểm bài thi. Tuy nhiên, một số trường có thể có thêm yêu cầu về các chủ đề lựa chọn ở thi phần khoa học. Phần thi tiếng Anh được thiết kế để đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trở thành phương án tuyển sinh độc lập thay vì kết hợp điểm kỳ thi với kết quả học tập THPT như hiện nay

Từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trở thành phương án tuyển sinh độc lập thay vì kết hợp điểm kỳ thi với kết quả học tập THPT như hiện nay

TRỞ THÀNH PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH ĐỘC LẬP

Các trường ĐH sư phạm hiện cũng đã sẵn sàng tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh từ năm 2025. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dù giữ ổn định hình thức thi trên máy tính nhưng có những thay đổi quan trọng về dạng thức câu hỏi. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết kết quả kỳ thi này sẽ trở thành phương án tuyển sinh độc lập từ năm 2025 trở đi (thay vì kết hợp điểm kỳ thi với kết quả học tập THPT trong cùng phương thức như trước đó). Năm 2025, kỳ thi vẫn tiếp tục được thực hiện với môn thi toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh. Năm 2026, trường sẽ bổ sung các môn thi lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Nội dung đánh giá năng lực sẽ bám sát Chương trình GDPT 2018. Trong đó phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%, còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11. Trên tinh thần đó, theo thạc sĩ Trung, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo cấu trúc mới từ năm 2025 có nhiều điểm mới. Cụ thể là thêm 2 dạng thức câu hỏi mới: câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có nhiều hơn 1 phương án đúng và dạng thức câu hỏi khai thác dữ liệu dùng chung.

Theo đề minh họa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố, các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học gồm 40 câu hỏi chia làm 3 phần. Phần 1 gồm 25 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan được chia thành 2 dạng thức khác nhau: trắc nghiệm khách quan nhiều phương án lựa chọn có 1 phương án đúng và trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có nhiều hơn 1 phương án đúng. Phần 2 có 5 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan khai thác dữ liệu dùng chung và phần 3 gồm 10 câu hỏi điền đáp số.

Môn ngữ văn sẽ gồm 22 câu hỏi và chia thành 3 phần: câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, viết đoạn văn ngắn với 1 câu hỏi tự luận, viết bài luận với 1 câu hỏi tự luận.

Với môn tiếng Anh, cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên theo hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN. Ngữ liệu trong đề thi đa dạng, được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các câu hỏi đánh giá ở mỗi môn có độ khó khác nhau ở mỗi phần.

"Các dạng thức đặc thù này góp phần để đo các năng lực chuyên biệt và năng lực chung theo Chương trình GDPT 2018", thạc sĩ Trung nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Việt Đức cho biết bài thi TestAS được tổ chức tại trường vào năm 2025 dự kiến không có nhiều thay đổi so với những năm trước. Trên thực tế, TestAS là bài thi đánh giá năng lực tư duy, chứ không đơn thuần về kiến thức cố định. Do đó, TestAS có cách tiếp cận mở và có thể hòa hợp với phổ rộng các chương trình GDPT trên thế giới. Chương trình GDPT 2018 của VN thậm chí tiệm cận với TestAS nhiều hơn so với chương trình cũ. "Do đó, việc sử dụng kết quả bài thi này để xét tuyển lứa học sinh mới vào trường sẽ không gặp trở ngại gì", đại diện nhà trường khẳng định.

Thêm trường ĐH công bố tổ chức kỳ thi riêng

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã có thông báo các phương thức tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Trong số 6 phương thức xét tuyển, năm 2025 lần đầu tiên trường ĐH này tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả kỳ thi riêng của nhà trường để xét tuyển ĐH.

Trước đó, nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, các trường tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính (V-SAT)…

Theo Hà Ánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm