Bạn đọc

Tú An khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Cách trung tâm thị xã An Khê (Gia Lai) khoảng 15km, Tú An là một trong những xã khó khăn của thị xã với 3 làng đồng bào và 6 thôn kinh. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp, sự đồng thuận chung tay góp sức của người dân, đến nay, diện mạo nông thôn và cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. 
Qua các con đường bê tông phẳng lì, chúng tôi vào làng Pờ Nang, xã Tú An lúc kim đồng hồ đã chỉ gần 12h. Giữa trời nắng oi bức, thế nhưng người dân trong làng vẫn đang hăng say lao động. Tại các vườn trồng mía, nông dân đang tranh thủ thu hoạch mía, chất mía đầy lên những xe tải chở mía về nhà máy đường, người thì cho cắt cây ngô cho bò ăn, trẻ em đi học về cũng tranh thủ chạy ra kéo bò về trú bóng râm tránh nắng. Chị Đinh Thị Viên (làng Pờ Nang, xã Tú An) chia sẻ: “Ngày trước dân làng mình không biết cách trồng cây gì cho năng suất cao, phù hợp với đất vườn của mình, cứ nghèo đói mãi thôi. Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trồng trọt, nhà mình đã mạnh dạn trồng 7 sào mì và lúa. Mỗi vụ mì cũng thu hoạch được 20-30 triệu đồng. Còn những nhà khác trồng mía, mỗi vụ thu hoạch cũng được 100-150 triệu đồng”.
Người dân thay đổi tập quán, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Ảnh: N.T
Người dân thay đổi tập quán, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Ảnh: N.T
Đối với xã thuần nông, lại có 3 làng đồng bào DTTS, xã Tú An đã đã phải nỗ lực vượt khó. Để nâng cao đời sống của bà con, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu. Ông Trần Ngọc Thiện-Bí thư Đảng ủy xã Tú An, cho biết: “Để thay đổi cuộc sống của bà con nhất là dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đã xác định điều quan trọng nhất là cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Bằng cách hướng dẫn cho bà con biết cách làm ăn có hiệu quả, tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, thay đổi tập quán, từ đó, bà con biết cách làm ăn, nâng cao thu nhập. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục từ trẻ nhỏ như xây dựng trường lớp, tạo điều kiện cho trẻ đến điểm trường học tập người lớn thì tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước...”.
Điểm trường (Trường Tiểu học Lê Văn Tám) khang trang được xây dựng giữa 3 làng dân tộc thiểu số, Ảnh: N.T
Điểm trường (Trường Tiểu học Lê Văn Tám) khang trang được xây dựng giữa 3 làng dân tộc thiểu số. Ảnh: N.T
Tú An hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới xanh mướt của mía, lúa, mì... Đường trục và đường liên thôn, làng được cứng hóa, ô tô đi lại, giao thông hàng hóa nhộn nhịp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm từ 164 hộ ( năm 2016) xuống còn 113 hộ ( năm 2017). Ông Lê Hữu Lộc (thôn Tú Thủy, xã Tú An) nhận định: “Ngày trước những con đường liên thôn, đường vào vườn mía toàn đường đất, tối thui. Mỗi khi đến vụ thu hoạch mía, tôi rất lo lắng tìm cách chở mía từ vườn ra ngoài mặt đường cách xa vườn mía. Từ khi đường sá được đầu tư khang trang, xe qua lại dễ dàng, an toàn hơn. Bây giờ, ô tô có thể chạy thẳng vào trong vườn mía để chở mía ra giúp nông dân giảm bớt chi phí, công sức”.
Hiện nay, xã Tú An đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ đạt chuẩn Nông thôn mới. Vì vậy, diện mạo của xã sẽ ngày càng thay đổi, kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. 
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm