Thời sự - Bình luận

Từ câu chuyện cụ bà xin thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo dõi thông tin báo chí những ngày vừa qua, hẳn nhiều độc giả biết đến câu chuyện về cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã lên trụ sở UBND xã Lương Sơn để bày tỏ nguyện vọng xin thoát nghèo với lý do bà còn khỏe mạnh, kinh tế vừa đủ để có thể tự chăm sóc bản thân. 
Hành động giản dị đó của bà đã trở thành câu chuyện đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà có lẽ chính cụ bà cũng không ngờ tới. Nói vậy là bởi ở cái tuổi xế chiều vốn dĩ có quyền được con cháu, người thân, cộng đồng xã hội quan tâm chăm sóc, tôn kính, yêu thương, giúp đỡ, thế nhưng cụ Mơ lại cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh để có thể tự chăm sóc bản thân, hái rau trong vườn mang lên chợ bán, hàng ngày tự nấu cơm, giặt giũ, làm vườn và còn có thể giúp đỡ hàng xóm, láng giềng khó khăn hơn mình. Hình ảnh đời thực chân chất, giản dị về cụ Mơ cứ thế đẹp, sáng lung linh như trong truyện cổ tích.
 Cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: K.N.B
Cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: internet
Việc trả lại sổ hộ nghèo cho chính quyền xuất phát từ ý thức về trách nhiệm của một công dân chân chính. Cụ Mơ chủ động trả lại quyền được hưởng trợ cấp từ Nhà nước, chính quyền địa phương và sẵn sàng nhường chế độ chính sách cho những hộ nghèo thực sự đang cần sự hỗ trợ. Hành động tích cực ấy mấy ai hiểu và làm được, đặc biệt là những hộ dân luôn mong muốn mang danh phận nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi từ Nhà nước.
Từng có thời gian về làng vào đúng dịp cán bộ thôn họp xét công nhận hộ nghèo, xác nhận hộ thoát nghèo, người viết bài này mới vỡ lẽ vì sao nhiều bà con lại “thích” gán mác hộ nghèo, hộ cận nghèo đến vậy. Bên cạnh quyền lợi được hưởng như: ưu đãi vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật; xây nhà ở, nhà vệ sinh; dịp lễ Tết, hộ nghèo còn được hỗ trợ nhu yếu phẩm và quà của các tổ chức từ thiện… Bấy nhiêu quyền lợi như vậy sao nỡ “thoát nghèo”? Đó có lẽ là tâm lý chung của nhiều hộ nghèo hiện nay ở một số địa phương. Tại các thôn, làng, việc xét công nhận hộ nghèo đã khó nhưng việc xét công nhận thoát nghèo lại càng khó khăn hơn bởi còn nhiều người dân khư khư giữ thói quen trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn nhiều trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo thụ động trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình, còn tình trạng sử dụng vốn vay ưu đãi không đúng mục đích, không chấp hành quy định về kế hoạch hóa gia đình, còn khỏe mạnh nhưng lười lao động… Vì vậy, câu chuyện thoát nghèo trong các hộ nghèo còn nhiều vấn đề nan giải. Bởi chính họ không nhận thức được rằng mục tiêu lớn nhất của việc thoát nghèo chính là sự chung tay góp sức để đưa đất nước phát triển, mọi người dân đều ấm no, hạnh phúc. Rõ ràng, từ nguồn tài chính lớn hàng năm thay vì chi hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, Nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư thực hiện nhiều dự án kinh tế, công trình phúc lợi giúp ích cho cộng đồng. 
Xuất phát từ câu chuyện đẹp, hành động ý nghĩa của cụ bà Đỗ Thị Mơ, chúng ta hy vọng sẽ có thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng sống tích cực trong cộng đồng, từ đó lan tỏa tinh thần sống có trách nhiệm, biết hy sinh quyền lợi vì lợi ích chung của cộng đồng, vì tương lai đất nước.
KSOR H'YUÊN

Có thể bạn quan tâm