Kinh tế

Tự hào là người đồng hành đáng tin cậy của nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với thế mạnh của một ngân hàng chuyên trách đầu tư phát triển nông nghiệp-nông thôn và kinh nghiệm dày dạn của hơn 20 năm đứng chân trên địa bàn huyện Chư Sê, Agribank đã trở thành người đồng hành đáng tin cậy của nông dân khi cùng trải qua những ngày tháng thăng trầm phát triển thị trường nông thôn trên nền tảng kinh tế nông nghiệp. Để ngày hôm nay, khi Chư Sê trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp nổi tiếng-Hồ tiêu Chư Sê-thì Agribank cũng vô cùng tự hào khi đã bền bỉ song hành cùng đất và người nơi đây, góp phần xây dựng sự nghiệp và tạo nên thương hiệu cho loại cây công nghiệp đắt giá này....
 

Quầy giao dịch Ngân hàng Agribank-Chi nhánh Chư Sê. Ảnh: Sơn Ca
Quầy giao dịch Ngân hàng Agribank-Chi nhánh Chư Sê. Ảnh: Sơn Ca

Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Agribank-khi đó là Ngân hàng Nông nghiệp trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên và duy nhất có mặt tại địa bàn huyện Chư Sê. Trong giai đoạn sơ khai của đơn vị cũng là lúc cây tiêu bắt đầu bén rễ trên vùng đất bazan màu mỡ và tràn đầy nắng gió Tây Nguyên.

Ở một thị trường mới toanh và còn thiếu thốn, khó khăn nhiều bề thực sự là một thử thách với Chi nhánh, với tập thể cán bộ, viên chức trong đơn vị. Ngay từ ban đầu, tín dụng phát triển thị trường nông nghiệp-nông thôn luôn là mục tiêu mà đơn vị đặt ra khi nhận thấy tiềm năng, cơ hội phát triển mạnh mẽ các loại cây công nghiệp trong tương lai. Nhất là trong những năm 90-giai đoạn nông dân tập trung nguồn lực đầu tư nhân rộng vườn tiêu cũng là lúc Agribank phát huy vai trò người đồng hành-cung ứng vốn kịp thời cho thị trường nông thôn.

Khởi đầu chủ trương cho vay năm 2002 với mức vay cao nhất là 2 triệu đồng/hộ và không có thế chấp tài sản. Người vay chỉ cần làm giấy xác nhận tạm thời, thông qua công tác bình xét tại địa phương để được vay vốn ngân hàng. Với 2 triệu đồng lúc ấy, nông dân có thể sử dụng làm chi phí chăm sóc cây trồng ngắn ngày hoặc mua tiêu giống, trụ tiêu về trồng. Cùng với thời gian, khi nhu cầu vốn của người dân tăng cao thì mức cho vay của Agribank lũy tiến từ 10 triệu đồng-40 triệu đồng/hộ vay cũng bằng hình thức tín chấp vì đa phần người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Là Ngân hàng Nông nghiệp đứng chân trên địa bàn mà 100% người vay là nông dân nên từ phương thức tiếp cận, giao dịch đến thủ tục, hình thức cho vay được đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân. Gắn bó, thấu hiểu sâu sát với nông dân-nông thôn nên đội ngũ cán bộ tín dụng Agribank Chư Sê luôn mạnh dạn giải quyết hồ sơ vay vốn, cung ứng vốn kịp thời để đảm bảo nhu cầu phát triển sản xuất của nông dân.

Đơn cử như trường hợp hộ ông Hồ Đình Phương (thôn 6-xã Ia Blang). Khi ông làm đơn xin vay 30 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn tiêu hơn 700 trụ, một cán bộ đoàn kiểm tra Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đã tỏ ý lo ngại khi nhà cửa ông Phương thuộc dạng “trống trước hụt sau”, không có tài sản gì đáng giá thế chấp vay vốn.

Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến vườn tiêu đang thời kỳ trổ mã tươi tốt của gia đình ông, nhận thấy những tiềm năng kinh tế đang cần nguồn vốn thúc đẩy từ ngân hàng thì vị cán bộ kia đã rút lại ý kiến chủ quan của mình. Từ nguồn vốn vay của Agribank, hộ ông Hồ Đình Phương đã phát triển vườn tiêu lên 1.200 trụ, nguồn thu hàng năm từ vườn tiêu đã giúp ông trả lãi vay ngân hàng, tạo điều kiện tích lũy để phát triển cơ ngơi sự nghiệp.

Đến nay, cũng như nhiều “tỷ phú Ia Blang” khác, gia đình ông Phương sở hữu vườn tiêu 7.000-8.000 trụ, 2 ha cà phê kinh doanh, nhà xây khang trang rộng rãi và sắm sửa ô tô đắt tiền. Cùng thời điểm với ông Phương, những hộ vay tín chấp giai đoạn đầu ở Ia Blang như ông Đặng Mừng, Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Đức Thắng... nhờ lao động cần cù nên đã có trong tay vườn tiêu vài ngàn trụ, thu nhập tiền tỷ hàng năm và trở thành những gương sáng trong phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”. Thành công từ nông nghiệp-nông thôn, những nông dân này cũng trở thành khách hàng thân thiết nhất của Agribank Chư Sê.

Hơn 20 năm đồng hành và phát triển trên địa bàn có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao như Chư Sê, Agribank thực sự tự hào khi luôn là người đồng hành-đối tác đáng tin cậy của nông dân. Đồng thời, hoạt động kinh doanh của Agribank Chư Sê luôn đạt mức tăng trưởng khá cao.

Nguồn vốn huy động tính đến hết tháng 9-2013 của Agribank Chư Sê đạt 242,054 tỷ đồng, bằng 96,1% kế hoạch năm.Trong đó tỷ trọng tiền gửi dân cư là 230,925 tỷ đồng, bằng 93,5% kế hoạch năm, huy động vốn ngoại tệ là 57.503 USD, bằng 102,7% kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay là 309,627 tỷ đồng, bằng 99,9% kế hoạch; trong đó dư nợ trung và dài hạn là 51,230 tỷ đồng, bằng 94,9% kế hoạch, dư nợ ngoại tệ ngắn hạn quy đổi là 250 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch. Tỷ lệ cho vay nông nghiệp và nông thôn chiếm 100% kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,57%, nợ nhóm 2 là 1,5%...

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay nhưng Agribank Chư Sê luôn giữ vững niềm tin, định hướng phát triển và lấy thị trường nông nghiệp-nông thôn là thế mạnh của mình. Đơn vị tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương, các hội-đoàn thể hợp tác đầu tư vốn cho các tổ vay vốn ở nông thôn, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với nông dân nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống tại các vùng nông thôn mới.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm