Kinh tế

Tự hào là người đồng hành thân thiết của nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 27 năm đứng chân trên địa bàn Gia Lai, Agribank đã trở thành người đồng hành đáng tin cậy của nông dân khi cùng trải qua những ngày tháng thăng trầm phát triển thị trường nông thôn trên nền tảng kinh tế nông nghiệp. Để ngày hôm nay, dòng chảy tín dụng từ Agribank bền bỉ lan tỏa từ thành thị đến nông thôn, 97% tỷ trọng dư nợ của đơn vị là dành cho thị trường nông nghiệp-nông thôn, góp phần xây dựng thành công nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, mang đến sự phồn thịnh ấm no cho đại bộ phận nông dân...

 Cán bộ Agribank Chi nhánh Gia Lai kiểm tra hộ vay sử dụng vốn trồng tiêu.
Cán bộ Agribank Chi nhánh Gia Lai kiểm tra hộ vay sử dụng vốn trồng tiêu.

Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Agribank khi đó là Ngân hàng Nông nghiệp trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên và duy nhất có mặt tại địa bàn huyện Chư Sê. Trong giai đoạn sơ khai của đơn vị, cũng là lúc cây tiêu bắt đầu bén rễ trên vùng đất bazan màu mỡ và tràn đầy nắng gió Tây Nguyên. Trong giai đoạn nông dân tập trung nguồn lực đầu tư nhân rộng vườn tiêu, cũng là lúc Agribank phát huy vai trò người đồng hành, cung ứng vốn kịp thời cho thị trường nông thôn. Khởi đầu bằng chủ trương cho vay theo tinh thần Chỉ thị 202/CT-HĐBT năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) với mức vay cao nhất là 2 triệu đồng/hộ và không có thế chấp tài sản. Người vay chỉ cần làm giấy xác nhận tạm thời, thông qua công tác bình xét tại địa phương để được vay vốn ngân hàng. Với 2 triệu đồng lúc ấy là số vốn không hề nhỏ, người nông dân có thể sử dụng làm chi phí chăm sóc cây trồng ngắn ngày hoặc mua tiêu giống, trụ tiêu về trồng.

Cùng với thời gian, khi nhu cầu vốn tăng cao thì mức vay của Agribank lũy tiến từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/hộ vay cũng bằng hình thức tín chấp vì đa phần người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gắn bó, thấu hiểu sâu sát với nông dân nên đội ngũ cán bộ tín dụng Agribank Chư Sê luôn mạnh dạn giải quyết hồ sơ vay vốn, cung ứng vốn kịp thời để đảm bảo nhu cầu phát triển sản xuất của hộ vay. Đơn cử như trường hợp hộ ông Hồ Đình Phương (thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Từ mức vay ban đầu 30 triệu đồng để chăm sóc vườn tiêu hơn 700 trụ, gia đình ông đã phát triển vườn tiêu lên 1.200 trụ. Nguồn thu hàng năm từ cây tiêu đã giúp ông trả lãi vay ngân hàng, tạo điều kiện tích lũy vốn phát triển cơ ngơi sự nghiệp. Đến nay, cũng như nhiều “tỷ phú Ia Blang” khác, gia đình ông Phương sở hữu vườn tiêu xấp xỉ 7.000-8.000 trụ, 2 ha cà phê kinh doanh, nhà xây khang trang và sắm sửa ô tô đắt tiền. Cùng thời điểm với ông Phương, những hộ vay tín chấp giai đoạn đầu thập niên 90 thế kỷ trước ở Ia Blang như ông Đặng Mừng, Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Đức Thắng... nhờ lao động cần cù nên đã có trong tay vườn tiêu vài ngàn trụ, thu nhập tiền tỷ hàng năm từ nông sản và trở thành khách hàng tiền gửi thân thiết của Agribank Chư Sê nhiều năm qua...

 

Năm 2014 hoạt động tín dụng của Agribank Gia Lai thuận lợi hơn mọi năm khi tổng dư nợ đã đạt quy mô 9.900 tỷ đồng, huy động vốn đạt 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 12%/năm và tập trung chủ yếu ở khu vực kinh tế nông nghiệp-nông thôn.

Ở vùng đất khó Ia Pa, sự có mặt của Agribank trong vòng 12 năm qua thực sự là một nhân tố tích cực khi khơi thông dòng chảy tín dụng đến tận tay nông dân nghèo cũng như đồng hành, hỗ trợ cho khát vọng đổi thay cuộc sống trên chính mảnh đất này. Nếu như thời điểm năm 2003, dư nợ của Agribank Ia Pa chỉ vỏn vẹn 25 tỷ đồng, huy động tiền gửi dân cư là 5 tỷ đồng thì đến cuối năm 2014, tổng dư nợ đạt mức 250 tỷ đồng, huy động tiền gửi đạt 100 tỷ đồng. Bên cạnh những con số đáng ghi nhận này, chính cách nghĩ, cách làm trên thực tế của Agribank khi xác định rõ ràng, đầu tư cho nông nghiệp cần đi đúng định hướng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của vùng và quan trọng nhất là phải đa dạng hóa nông nghiệp. Nghĩ là làm, cán bộ-nhân viên Chi nhánh đã không ngại khó để đồng hành xuyên suốt với nông dân, tích cực hỗ trợ bà con xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại mới mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội ở các xã Kim Tân, Pờ Tó, Ia Ma Rơn, Chư Răng.

Một trong số đó là mô hình trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Minh (thôn 2, xã Kim Tân). Trong giai đoạn khởi nghiệp, gia đình ông chủ yếu trồng mía, trồng mì nhưng thu nhập bấp bênh bởi năm được, năm không theo thời giá. Kể từ khi chuyển đổi hoàn toàn sang trồng mía với quy mô lớn lên đến 9 ha, sử dụng giống mới cộng thêm đầu tư phân, nước đầy đủ nên năng suất đạt 60 tấn-90 tấn/ha. Bên cạnh cây mía, ông Minh xác định chỉ có chăn nuôi bò mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, lại phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên nơi đây. Theo thời giá hiện nay, bình quân mỗi con bò khi xuất chuồng có giá khoảng 30 triệu đồng. Nếu bò đẻ thêm bê con thì lợi nhuận được gia tăng hàng năm, chưa kể đến nguồn chất thải được sử dụng triệt để cho cây mía... Được sự hỗ trợ kịp thời từ Agribank, gia đình đã mạnh dạn vay thêm 700 triệu đồng để đầu tư đàn bò 45 con, đào ao thả cá và trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò. Cũng theo ông Minh, với phương thức đầu tư lấy ngắn nuôi dài, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp như hiện tại thì sẽ góp phần hạn chế rủi ro, đồng thời người nông dân có điều kiện tích lũy tái sản xuất lao động, đảm bảo nguồn thu ổn định để trả vốn vay ngân hàng...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm