Được dư luận quan tâm bởi từng là người trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư từ cách đây 7 năm, và giờ là giáo sư trẻ nhất VN, nhưng Phạm Hoàng Hiệp lại rất ít tiếp xúc với báo chí.
GS Phạm Hoàng Hiệp |
Sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học (do UNESCO bảo trợ), Phạm Hoàng Hiệp đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.
Từng học làng nhàng môn toán
Anh sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, nơi có một ngôi trường chuyên khá nổi tiếng. Liệu anh có từng là học sinh của trường đó?
(Tủm tỉm cười) Rất tiếc là không phải. Tôi chỉ là học sinh “trường thường”, Trường THPT Hồng Quang. Tuy nhiên đó cũng là một ngôi trường có bề dày truyền thống nhất ở Hải Dương, và là nơi tôi bắt đầu nhận được sự khích lệ nuôi dưỡng tình yêu đối với toán học của các thầy cô giáo.
Anh phát hiện ra mình thích học toán từ bao giờ?
Tôi thích toán khá muộn, từ lớp 9. Hồi nhỏ tôi học trường làng, nơi không có nhiều bạn bè ham học lắm, nên tôi học hành cũng không tập trung, dù bố mẹ tôi rất quan tâm chăm lo cho con, luôn mong muốn con học hành chăm chỉ. Trong nhà, tuy bố là kỹ sư, mẹ là giáo viên, nhưng bố mới là người theo sát việc học hành của tôi, còn mẹ thì lo lắng chăm sóc về đời sống. Thỉnh thoảng, vào những thời điểm quan trọng, bố vẫn kèm tôi học. Nhưng ông không gây sức ép, bắt tôi học theo kiểu nhồi nhét.
Cách của ông là khích lệ theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Ông mua rất nhiều sách cho các con đọc, nhưng nói thực là tôi cũng ít khi mở ra xem, cho đến một lần, khi đang học lớp 9, tôi tình cờ động đến một cuốn sách về số học. Càng đọc tôi càng bị cuốn hút, và nhận ra là mình thích toán. Từ đó tôi mới bắt đầu học lại đầy đủ kiến thức toán, từ kiến thức cơ sở đến kiến thức nền tảng một cách cẩn thận. Đó thực sự là một bước ngoặt đối với tôi. Vì trước đó tôi học môn nào cũng làng nhàng (trong đó có toán), sau thì học môn nào cũng khá, tất nhiên khá nhất vẫn là môn toán.
Anh học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, được giữ lại trường để giảng dạy, nhưng rồi lại chuyển sang viện toán. Có vẻ như anh không thật sự thích nghề “gõ đầu trẻ”, vậy tại sao anh thi vào đó?
Khi còn học hành làng nhàng, tôi từng ước mơ trở thành bác sĩ. Đến khi thích toán và học giỏi toán thì tôi chỉ muốn làm một nghề nào đó mà có thể gắn bó với toán học. Hồi đó tôi cũng như bạn bè nói chung không hiểu lắm về các nghề nghiệp mà mình sẽ làm trong tương lai. Tôi chỉ biết là trường sư phạm có khoa toán, thi đỗ vào đó thì sau này tôi sẽ được đi dạy cấp 3 môn toán. Còn bố mẹ tôi thì thấy đấy là một ý định tốt, vì theo cách nhìn nhận của tất cả những người xung quanh tôi hồi ấy thì học gì cũng được, miễn là thi đỗ và sau này có nghề nghiệp ổn định.
Vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tôi được học với thầy Khuê (Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Khuê) ngay từ năm thứ nhất. Thầy nhận ra tôi có năng lực nghiên cứu toán học nên định hướng tôi đi theo con đường này, và sau đó giữ tôi ở lại trường. Tôi cứ vậy mà theo thầy một cách tự nhiên, vì quả thực càng ngày tôi càng thấy mình rất hợp với công việc nghiên cứu. Việc tôi rời trường sư phạm sang viện toán cũng là để được chuyên tâm cho hoạt động nghiên cứu.
Mỗi nhà khoa học muốn thành công đều cần có một người thầy dìu dắt. Có vẻ như anh sớm nhận ra điều này từ khi còn rất trẻ, và anh đã gặp may...
Đúng thế. Không chỉ trong khoa học, mà trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, trừ một số trường hợp đặc biệt, thì việc có người đã trải qua mọi việc, nắm được bức tranh tổng thể rồi chỉ cho mình con đường nhanh đến đích nhất, là điều may mắn. Với điều kiện là mình phải chịu khó lắng nghe, chăm chỉ học hỏi. Hai nữa là muốn giỏi thì phải tiếp xúc với người giỏi.
Tôi còn may mắn bởi không chỉ có người thầy duy nhất là GS Nguyễn Văn Khuê mà sau này còn được gặp nhiều người thầy lớn, chẳng hạn như GS Urban Cegrell ở ĐH Umea, Thụy Điển, hoặc GS Jean-Pierre Demailly ở Viện Fourier, Pháp. Sau này khi chuyển sang viện toán, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của GS Ngô Việt Trung, GS Lê Tuấn Hoa…, những người tuy tôi không làm cùng chuyên ngành nhưng tôi học được ở họ tác phong làm việc và nhiều mặt tri thức khác trong cuộc sống.
GS Phạm Hoàng Hiệp (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà khoa học ở Viện Toán |
Chịu áp lực mưu sinh hay không là do mình
Nước mình hiện chưa có chính sách phù hợp với giảng viên đại học và người làm công tác nghiên cứu nên nhiều người trẻ, giỏi khi lựa chọn những công việc này thường phải rất phân vân vì áp lực mưu sinh. Chẳng lẽ anh không phải chịu những áp lực đó ?
Có lẽ trong cuộc sống nhiều người thấy cần phải có được một công việc mang lại thu nhập tốt. Nhưng trường hợp tôi có thể hơi đặc biệt chăng vì quả là tôi không nghĩ đến gì khác ngoài việc theo đuổi cái mà mình đam mê. Khi làm khoa học thì tôi cũng xác định là không thể đầy đủ quá về kinh tế được, nên cứ cố gắng mà làm tốt công việc của mình.
Áp lực hay không là do mình. Nếu mình cho rằng cần phải có điều kiện sống tốt hơn thì thấy áp lực. Nói chung mình sẽ cảm thấy thoải mái khi xác định được mục tiêu và hết lòng cho mục tiêu đó. Mình đã chọn thì chấp nhận, bất mãn chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
Nhưng tôi cũng đồng ý là hiện nay chính sách lương dành cho giáo viên và người nghiên cứu cần có điều chỉnh, đủ cho họ trang trải cuộc sống, để yên tâm làm việc.
GS Phạm Hoàng Hiệp chụp ảnh cùng GS Slawomir Kolodziej (Đại học Jagiellonian, Ba Lan) đến làm việc ở VN |
Nhiều người trẻ có năng lực mà chưa được công nhận
Được phong GS khi 36 tuổi, trở thành người trẻ nhất đang làm việc trong nước được công nhận đạt tiêu chuẩn GS từ trước tới nay, và giờ là GS trẻ nhất nước, anh thấy thế nào?
Được phong GS tôi rất vui, vì ở VN sự kiện này có ý nghĩa như một sự ghi nhận cho đóng góp của nhà khoa học. Còn việc xã hội cứ gọi tôi là GS trẻ nhất thì tôi không để tâm lắm, vì quan trọng nhất là mình đã, đang và sẽ làm được gì, chứ không quan tâm việc mình đang bao nhiêu tuổi.
Nhưng 36 tuổi mà được xem là GS trẻ nhất, trong khi có nhiều nhà khoa học của mình làm việc ở các nước phát triển trở thành GS khi mới trên dưới 30, anh có băn khoăn gì không?
Tôi thấy việc ta chưa có nhiều GS trẻ là điều cần phải suy nghĩ. Với tiêu chuẩn hiện nay, những bạn trẻ có năng lực nhưng vừa từ nước ngoài trở về, dù có nhiều công trình chất lượng vẫn không thể được công nhận đạt chuẩn GS do thiếu thâm niên giảng dạy. Trường hợp của tôi thuận lợi là bởi trong thời gian làm nghiên cứu sinh tôi vẫn đồng thời giảng dạy trong nước.
Mô hình công nhận, bổ nhiệm GS của mình giống Pháp, cũng đánh giá trên các phương diện đóng góp cho khoa học, cho xã hội, cho giảng dạy. Nhưng họ không đưa ra các tiêu chuẩn có tính định lượng quá cụ thể, quá chi tiết như mình. Nếu một người trẻ đóng góp xuất sắc cho khoa học mà 2 mặt kia có yếu hơn thì vẫn được. Nên mới có những người 26 - 28 tuổi đã được bổ nhiệm GS. Trường hợp anh Ngô Bảo Châu là được bổ nhiệm GS ở Pháp khi mới 30 - 31 tuổi, anh Đinh Tiến Cường 32 tuổi…
Anh vừa được Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học. Anh có kỳ vọng gì về đóng góp của mình cho trung tâm khi nhận nhiệm vụ này?
Tôi kỳ vọng mình sẽ tổ chức xây dựng được chương trình tốt để đào tạo sau ĐH những người giỏi toán, có trình độ, góp phần tạo ra đội ngũ giảng viên cho các trường đại học, hoặc có thể làm cho các công ty cần ứng dụng toán học. Hiện nay ở VN lĩnh vực ứng dụng toán học chưa thực sự phát triển nên chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm thế giới. Hằng năm chúng ta vẫn phải gửi người đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ toán ở nước ngoài. Hoạt động đào tạo ở trung tâm sẽ cố gắng đạt tới chuẩn mực quốc tế nhằm thu hút các bạn trẻ tài năng trong nước và cả ở nước ngoài. Chúng tôi hy vọng các bạn thạc sĩ do chúng tôi đào tạo ra sẽ tiếp tục có học bổng đi học tiếp nghiên cứu sinh và các bạn tiến sĩ thì được nhận làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) ở các nước phát triển.
Anh đang ở thời kỳ sung sức nhất về nghiên cứu của một nhà khoa học, giờ làm quản lý thì liệu có ảnh hưởng tới hiệu suất nghiên cứu của bản thân?
Tuy làm quản lý nhưng đây là một đơn vị khoa học nên tôi nghĩ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bản thân. Tất nhiên là sẽ mất thời gian hơn, nhưng cũng không đáng lo lắm vì trong nghiên cứu khoa học thì cái quan trọng là ý tưởng, mà giờ đây chúng ta làm việc theo nhóm nên cũng có điều kiện để hỗ trợ nhau cùng giải quyết vấn đề. Và quan trọng là nếu việc tôi sắp làm thiết thực và mang lại điều tốt cho mọi người, giúp được nhiều người khác thì cũng là việc tốt cần làm.
GS Phạm Hoàng Hiệp sinh năm 1982, tốt nghiệp ĐH tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2004, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Umea, Thụy Điển, năm 2008, và luận án tiến sĩ khoa học tại ĐH Aix-Marseille, Pháp, năm 2013.
GS Hiệp là nhà toán học VN ở trong nước đầu tiên có bài đăng trên Acta Mathematica, một trong những tạp chí toán học được xếp hạng cao nhất của cơ sở dữ liệu ISI. Nhờ thành tích nghiên cứu khoa học, GS Hiệp đã được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng như Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2011; Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ năm 2015; Thành viên trẻ của Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (2016 - 2020).
|
Can đảm đi sâu vào những vấn đề khó
GS Đỗ Đức Thái (Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) |
Một trong số ít nhà toán học VN đạt đẳng cấp quốc tế
GS Đinh Tiến Cường (ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Paris 6) |
Phải đứng ra gánh vác việc chung sớm
Vì nhiều lý do mà đội ngũ các nhà nghiên cứu toán học thế hệ 7X rất mỏng, chúng tôi gọi lỗi đó là lỗ hổng thế hệ. Do đó những người tài năng thuộc thế hệ 8X như Hiệp bắt buộc phải đứng ra cùng chúng tôi gánh vác việc chung từ sớm hơn. Tôi cũng đã nói với Hiệp, nếu đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trung tâm toán học UNESCO, chắc chắn bạn sẽ phải chịu thiệt thòi về mặt nghiên cứu, bởi không thể duy trì hiệu suất nghiên cứu như trước đây.
GS Phùng Hồ Hải (Viện trưởng Viện Toán học - Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ VN) |
Quý Hiên (thanhnien)