Chính trị

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ 1: Bừng sáng làng tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ba đe dọa đến tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân hay nỗi lo ngập lụt, nước lũ cuốn trôi nhà cửa là những vấn đề mà cử tri bức xúc kiến nghị, phản ánh.

Đáp lại nguyện vọng chính đáng đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp đã phát huy vai trò cầu nối tin cậy khi chuyển tải các vấn đề cấp thiết từ thực tế cuộc sống vào nghị trường, đến các cấp có thẩm quyền. Nhờ đó, nhiều ngôi làng tái định cư được xây dựng, đời sống của người dân ở khu vực sạt lở đã được cải thiện.

Với quyết tâm không để người dân sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn trung ương và địa phương, tỉnh đã triển khai 8 dự án, công trình phòng-chống sạt lở bờ sông, suối và 7 dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai. Bước đầu, các dự án này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hàng ngàn hộ dân được di dời đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống.

An cư, lạc nghiệp

Dòng sông Ba như một dải lụa mềm vắt từ đỉnh Ngọc Rô uốn lượn qua địa bàn 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên rồi hòa vào Biển Đông. Trên chiều dài gần 400 km ấy, sông Ba bao đời nay đã đắp bồi phù sa, cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho hàng vạn người dân cư ngụ dọc hai bên sông, tạo nên những cánh đồng màu mỡ và làng quê trù phú. Tuy nhiên, dòng sông này cũng khiến bao người dân phải vất vả, nơm nớp lo âu do tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và sinh kế của nhiều người.

Với vai trò là đại diện cho tiếng nói của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp đã ghi nhận, truyền tải những thông điệp của bà con đến các cấp, các ngành. Nhờ đó, nhiều dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng sạt lở bờ sông Ba đã được triển khai, giúp bà con không còn thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa lũ.

2.jpg
Từ kiến nghị của cử tri, huyện Krông Pa đã hoàn thiện Dự án sắp xếp, ổn định dân cư buôn H’Lang (xã Chư Rcăm), di dời 96 hộ dân có nhà ở thường bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng đến định cư tại buôn Du cách đó hơn 1 km. Ảnh: Vũ Chi

Minh chứng cụ thể là tại buôn H’Lang (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa), tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Ba khiến gần 400 hộ đồng bào Jrai luôn sống trong thấp thỏm, lo âu. Đây là một trong những khu vực trọng điểm về sạt lở đất, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.

Nhiều kiến nghị được đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ghi nhận thông qua các đợt tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên vấn đề này chưa được giải quyết thấu đáo.

Ông Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pa-cho biết: Đỉnh lũ năm 2009 khiến tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ba càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là đoạn từ cầu Lệ Bắc đến buôn H’Lang. Từ kiến nghị của cử tri, năm 2019, Trung ương đã hỗ trợ 15 tỷ đồng để triển khai di dời dân cư khu vực bị sạt lở đến nơi ở mới.

Cùng với đó, Thường trực HĐND huyện cũng họp và thống nhất nguồn vốn đối ứng của địa phương gần 5 tỷ đồng để giải quyết vấn đề cấp thiết của cử tri. Năm 2022, huyện đã hoàn thiện Dự án sắp xếp, ổn định dân cư buôn H’Lang, di dời 96 hộ dân có nhà ở thường bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng đến định cư tại buôn Du cách đó hơn 1 km. Bình quân mỗi hộ được cấp hơn 400 m2 đất ở, đất vườn và 20 triệu đồng để di dời nhà ở.

nguoi-dan-buon-hlang-o-khu-sat-lo-duoc-di-doi-ve-dinh-cu-o-buon-du-xa-chu-rcam-huyen-krong-pa-co-co-so-ha-tang-khang-trang-duong-giao-thong-dien-chieu-sang-nuoc-sinh-hoat-duoc-nha-nuoc-dau-tu-ho-tro.jpg
Người dân buôn H'Lang ở khu sạt lở được di dời về định cư ở buôn Du (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) có cơ sở hạ tầng khang trang, đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt được nhà nước đầu tư hỗ trợ. Ảnh: M.N

Năm 2023, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư các dự án: bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn (huyện Phú Thiện); bố trí dân di cư tự do tập trung huyện Mang Yang; bố trí dân di cư tự do tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Cũng trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 142,5 tỷ đồng, tỉnh đã triển khai 16 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại 11 địa phương.

Ngồi trong ngôi nhà vững chãi, anh Rah Lan Bay (buôn H’Lang) phấn khởi cho hay: “Nơi ở mới có cơ sở hạ tầng khang trang, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt đầy đủ.

Cùng với khoản tiền tích góp, tôi vay thêm 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để hoàn thiện căn nhà kiên cố rộng 65 m2 với tổng kinh phí 120 triệu đồng.

Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cơ quan dân cử đã quan tâm, tạo điều kiện cho người dân có được ngôi nhà vững chãi, khang trang như hôm nay. Từ nay, bà con thoát được nỗi lo ngập lụt, sạt lở vào mùa mưa lũ”.

Trải qua nhiều năm sống thấp thỏm trong mối lo ngập lụt, 73 hộ Bahnar làng Kon Bông (xã Đăk Rong, huyện Kbang) giờ đã ổn định cuộc sống trong những ngôi nhà mới ở làng tái định cư được bố trí trên vùng đồi cao.

Chị Đinh Thị Ké vui mừng nói: “Nơi ở mới có điện, nước sinh hoạt cùng những điều kiện sống tốt hơn. Bà con ai nấy đều phấn khởi, cảm thấy an toàn hơn khi dọn về ở nơi tái định cư. Từ nay, bà con không sợ lũ lụt nữa, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Quang Vĩnh-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Kbang-thông tin: Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, suối đến năm 2030 của tỉnh đề ra một số giải pháp trong việc tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông, suối bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

“Chúng tôi tiếp tục kiến nghị với chính quyền chỉ đạo các ban, ngành của huyện và xã Đăk Rong hỗ trợ người dân cải tạo nơi ở cũ thành khu sản xuất để phát triển trồng trọt, chăn nuôi; triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.

Cùng với đó, duy trì và mở rộng diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng để bà con cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”-ông Vĩnh nhấn mạnh.

Tiếp tục nhân lên niềm vui

Cùng với hàng chục hộ dân khác, gia đình chị Kpă H’Lúi tranh thủ hoàn thiện nốt công đoạn cuối để dọn về nhà mới tại khu tái định cư thuộc Dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện).

Chị H’Lúi chia sẻ: “Trước ở khu dân cư tự phát suối Cạn thường xuyên bị ngập lụt, nhiều lúc bị nước lũ cô lập, nhiều khó khăn, thiếu thốn. Giờ về đây, bà con được hỗ trợ xây dựng nhà ở, đường sá khang trang, điện, nước được đầu tư bài bản nên ai nấy đều vui mừng. Ổn định cuộc sống, con cái sẽ được học hành tốt hơn”.

vo-chong-chi-kpa-hlui-dang-tranh-thu-hoan-thien-not-cong-doan-cuoi-de-don-ve-nha-moi-tai-du-an-bo-tri-on-dinh-dan-cu-vung-thien-tai-suoi-can-thon-thang-loi-3-xa-ia-sol-huyen-phu-thien.jpg
Vợ chồng chị Kpă H’Lúi đang tranh thủ hoàn thiện nốt công đoạn cuối để dọn về nhà mới tại dự án “Bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn” (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: V.H

Ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện-cho biết: Đến thời điểm này, Dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn gần như hoàn thiện, 38 hộ dân đang chuẩn bị chuyển về sinh sống ở khu tái định cư.

Xuất phát từ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, HĐND huyện đã đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy và Thường trực HĐND huyện có phương án ổn định khu dân cư suối Cạn và được tỉnh cấp kinh phí hơn 10 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư.

“Hội đồng nhân dân huyện đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ dân để xây dựng nhà ở, UBND tỉnh cũng đã dự thảo nội dung này nhưng chờ HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm 2024. Đa số người dân ở đây đều là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ nên không có gì để di dời.

Để giải quyết thực trạng cấp bách này, Thường trực HĐND huyện thống nhất chủ trương xuất ngân sách địa phương cấp tạm ứng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 38 hộ dân với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, Huyện ủy, UBND huyện cũng kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ với kinh phí mỗi nhà hoàn thành từ 73 triệu đồng đến 75 triệu đồng”-Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện nhấn mạnh.

1.jpg
38 hộ dân thuộc Dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đang hoàn thành nhà ở tại khu tái định cư. Ảnh: M.N

Cùng với đó, Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung cho 62 hộ dân tộc thiểu số du canh, du cư ở buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đầu năm 2025, các hộ dân có thể chuyển về nơi ở mới. Dự án có tổng mức đầu tư gần 18,3 tỷ đồng, diện tích khoảng 5,2 ha gồm các hạng mục như: đầu tư các tuyến đường nội bộ và đường kết nối; san ủi mặt bằng khu dân cư; lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt và điện chiếu sáng.

Từ khi có thông tin được bố trí cấp đất ở để di dời về nơi ở mới, ông Kpă Thùy vô cùng mừng rỡ. Hơn 30 triệu đồng từ vụ mì vừa thu hoạch, vợ chồng ông chi tiêu tằn tiện để dành cho việc xây dựng tổ ấm mới.

Ông Thùy chia sẻ: Trước đây, vợ chồng ông dựng nhà sàn ở trên sườn đồi để sinh sống và chăm sóc hơn 8 sào mì. Mỗi khi mưa lớn kéo dài, gia đình luôn sống trong thấp thỏm bởi đất đá phía trên có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của gia đình, ông mượn tạm chừng hơn 20 m2 đất của người anh trai để vợ dựng căn nhà sàn nhỏ ở tạm.

Ông Trần Ngọc Khôi-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Pa-cho biết: Dự án khởi công ngày 12-12-2023 và dự kiến hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước ngày 31-12-2024 để sớm đưa vào phục vụ người dân.

“Đến nay, dự án đã hoàn thành trên 70% khối lượng công trình. Chúng tôi cũng thường xuyên đôn đốc các nhà thầu thi công và cử cán bộ chuyên môn tập trung giám sát thi công công trình. Sau khi các nhà thầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện sẽ huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới”-ông Khôi thông tin.

Có thể bạn quan tâm