Thời sự - Bình luận

Tự phê bình, tự soi, tự sửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Sau hội nghị, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là phương châm xây dựng và phát triển của Đảng. Người nói: Tự phê bình, phê bình như “đánh răng, rửa mặt” hàng ngày. Công việc ấy đòi hỏi mỗi đảng viên phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là phương châm xây dựng và phát triển của Đảng.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là phương châm xây dựng và phát triển của Đảng. Ảnh tư liệu



Kế tục, phát huy giá trị di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 91 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, tự phê bình và phê bình là yêu cầu đầu tiên. Bởi Đảng ta luôn lấy công tác giáo dục, rèn luyện làm phương châm hoạt động, kỷ luật Đảng chỉ là việc cực chẳng đã, khi đảng viên đã nói và làm những điều vượt quá giới hạn của Điều lệ và các quy định của Đảng.

Nhìn lại 1.623 cán bộ, đảng viên tham nhũng, hơn 2.200 đảng viên gây lãng phí, thất thoát tài sản, tiền bạc của Nhà nước trong nhiệm kỳ qua, cùng với đó là 25.000 đảng viên suy thoái đạo đức, phẩm chất hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó, nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao đã phải trả giá bằng những án kỷ luật, phải đối diện với sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật, ai cũng thấy có phần lo lắng về “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc tới.

Những sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo, là cả quá trình sa sút về phẩm chất, phai nhạt lý tưởng, xa rời mục tiêu phấn đấu. Trong quá trình đó, công tác tự phê bình và phê bình tại các tổ chức cơ sở Đảng nơi những cán bộ này sinh hoạt chắc chắn đã lơ là, nể nang, né tránh, thấy sai không góp ý, không đấu tranh cương quyết để ngăn chặn; không dùng sức mạnh đấu tranh nội bộ để giáo dục lẫn nhau. Hậu quả là những sai phạm nhỏ không được uốn nắn, sửa chữa kịp thời, tích tụ dần thành sai phạm lớn, đến mức phải thi hành kỷ luật Đảng.

Từ kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII vừa qua) để có sự thống nhất cao hơn nữa về nhận thức và tổ chức thực hiện hiệu quả kết luận, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu mỗi đảng viên phải nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình; tránh làm hình thức, qua loa, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá” với những động cơ không trong sáng, việc bé xé to. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Công khai, minh bạch tự phê bình và phê bình của cấp ủy Đảng là yêu cầu quan trọng, nhưng giải pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế phải kiên quyết, “nói đi đôi với làm”.

Muốn tự phê bình và phê bình đạt kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và có hình thức dân chủ để quần chúng góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Người sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.

Tự phê bình và phê bình là quá trình đấu tranh với chính mình và đồng chí mình. Mỗi đảng viên cần phải nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi để mình ngày càng tốt lên; để Đảng ta ngày càng mạnh lên, xứng đáng là Đảng của đạo đức, văn minh.

 

 ĐÌNH CƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm