Dẫu có chỉ trích sự nhập nhèm chúng ta cũng không được quên rằng, phải nghĩ tới việc làm thế nào để có được sản phẩm thuần Việt chiếm lĩnh thị trường.
Sau Khaisilk, Asanzo lại một lần nữa khiến rất nhiều người tiêu dùng Việt ‘ngậm ngùi’ nuốt trọn nỗi đắng cay. Không bàn tới những nghi vấn công ty ‘ma’ nhập khẩu thiết bị đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều tra, những lời có cánh về top 3 thương hiệu điện tử Việt Nam với ‘Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản’ đã bị bóc mẽ, để sau đó là hàng loạt những câu hỏi lớn khác.
Thứ nhất, có thể nhận là hàng Việt Nam hay không khi chính CEO Asanzo thừa nhận, khoảng 70% linh kiện một chiếc tivi được nhập khẩu. Phần nội địa hóa nhỏ nhoi còn lại có đủ để được công nhận nhãn mác ‘Made in Vietnam’?
Thậm chí, theo tường thuật của Tuổi trẻ, trong buổi làm việc với báo này, CEO Asanzo cũng không đưa ra một câu trả lời chắc chắn về tỷ lệ nội địa hóa của tivi thương hiệu này.
Khi thì vị này nói, nếu tính trên hóa đơn thì giá trị tỉ lệ linh kiện nhập khẩu từ 60-70%, khi thì lại đồng tình rằng "gần như là mình nhập 100%. Bên mình chỉ là khâu đầu - cuối, mình ráp lên, kiểm tra sản phẩm đạt thì cho ra thị trường".
Vả lại, dẫu quả thật người Việt đang góp công tới 30% trong một chiếc tivi Asanzo, sẽ phải nghĩ thế nào khi chất xám trong nước chỉ góp ở phần vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp? Rõ ràng, niềm tin và sự ủng hộ của người Việt cho hàng Việt đã bị lợi dụng.
Thứ hai, liệu có còn những Asanzo khác? Băn khoăn đượm màu sắc bi quan nói trên, tiếc thay hoàn toàn có cơ sở. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy tính là một trong những nhóm hàng có tốc độ nhập khẩu tăng cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2019. Đáng lưu ý, nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc lại đạt tốc độ tăng lên đến 80,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kim ngạch 5,05 tỷ USD trong 5 tháng qua.
Lý giải mức tăng đột biến là do doanh nghiệp FDI liên quan tới lĩnh vực linh kiện điện tử tăng nhập khẩu từ Trung Quốc khó thuyết phục bởi lẽ thương chiến Mỹ - Trung đã gây ra những tác động nhất định tới giao dịch giữa các tập đoàn lớn trên thế giới với doanh nghiệp Trung Quốc. Khi đó, buộc phải tính đến việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã nhắm tới Việt Nam như một thị trường trung gian. Với tình huống này, sẽ phải xem xét, cân nhắc thiệt – hơn rất kỹ càng, tránh để Việt Nam bị cuốn vào những bão táp thương trường để rồi ‘lợi bất cập hại’.
Sức vóc vẫn còn hạn chế của đa phần doanh nghiệp Việt càng làm trĩu nặng hơn nỗi buồn kể trên. Ngay ở một ngành nhận được nhiều ưu đãi và hỗ trợ như công nghiệp ô tô, theo báo cáo cập nhật ngành ô tô của Công ty chứng khoán VietinBank công bố cuối tháng 4/2019, tỷ lệ nội địa hóa ngành này ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 10-15% tùy hãng.
Niềm tin và sự ủng hộ của người Việt cho hàng Việt đã bị lợi dụng.
Ngay cả với những khâu đã nội địa hóa, với những bộ phận phải làm bằng nguyên liệu chịu lực và chịu nhiệt như động cơ, hộp số, trục khuỷu… Việt Nam phải nhập từ nước ngoài.
Đó sẽ là kịch bản chung cho nhiều ngành sản xuất khác, đơn giản vì chúng ta vẫn chưa tự chủ được công nghệ nền tảng như luyện kim, chế tạo máy… Khi lựa chọn chỉ còn là nhập khẩu ở mức độ nào, xét về bài toán kinh doanh thuần túy, cách tính toán như của Asanzo có thể hiểu được. Theo logic này, cũng có thể hiểu nỗi thấp thỏm về khả năng còn có những Asanzo khác chưa bị lộ.
Cuối cùng và quan trọng nhất, làm thế nào để có những thương hiệu mạnh như Asanzo nhưng không vướng phải những nghi án, lùm xùm hiện tại?
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải trở lại với chính thương hiệu khiến báo chí tốn nhiều giấy mực trong những ngày gần đây. Đầu tiên, Asanzo đã từ con số 0 vươn lên trở thành một sản phẩm có tiếng trên thị trường, hẳn nhiên đó không chỉ bởi những lời quảng cáo nịnh tai người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm, giá thành và chế độ hậu mãi của họ phải có những ưu thế vượt trội so với sản phẩm cùng phân khúc, đây là điều rất cần trân trọng. Điều Asanzo cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang thiếu, có lẽ chính là sự định hướng, trợ giúp để doanh nghiệp đi đúng hướng và trưởng thành.
Từ rất nhiều năm nay, trăn trở về một tổ chức tương tự như Small Business Administration của Mỹ, với nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ khâu xây dựng đề án đến khởi nghiệp, phát triển và mở rộng thị trường, vẫn chưa có hồi đáp.
Nếu có sự hỗ trợ này, cảnh báo về viễn cảnh đen tối nếu nhập nhèm về xuất xứ để được thêm chút danh tiếng hàng Việt, sẽ được đưa ra rõ ràng. Doanh nghiệp cũng sẽ được tư vấn về cách thức tổ chức sản xuất, cân đo thiệt hơn giữa lựa chọn nhập linh kiện hay tự sản xuất trong bài toán dài hạn, giúp họ lựa chọn tự chủ khâu nào trong quá trình sản xuất và hỗ trợ họ đạt được mục tiêu… Doanh nghiệp sẽ có sinh có diệt nhưng sẽ theo cách của chọn lọc tự nhiên, người mạnh hơn sẽ tồn tại để mạnh hơn nữa. Chỉ khi đó, nội lực của nền kinh tế mới được củng cố.
Về chính sách vĩ mô, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những điểm chưa hẳn đã phù hợp trong các chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt. Từ ngàn xưa, cha ông ta đã nói ‘có bột mới gột nên hồ’. Thế nhưng, khao khát có được những doanh nghiệp thật sự mạnh, với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vang danh toàn cầu đã khiến đôi lúc chúng ta quên đi thực tế đó.
Các ưu đãi về chính sách, nguồn tín dụng… cho doanh nghiệp sản xuất trong những lĩnh vực ưu tiên không sai nhưng chưa thật đầy đủ, khiến cho doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện lắp ráp được ưu đãi ngang với doanh nghiệp tự đầu tư sản xuất từ A tới Z. Lỗ hổng này khiến cho mũi tên lợi nhuận nghiêng hẳn về phía nhập khẩu, một mặt tước đi động lực tồn sinh của các ngành công nghiệp cơ bản, m
Thế nhưng, thay đổi điều này lại không hề đơn giản. Sự vươn lên mạnh mẽ của một nhóm doanh nghiệp tư nhân thời gian gần đây đã làm nảy sinh lo ngại về hình thái doanh nghiệp tư nhân thân hữu, những nhà kinh doanh lựa chọn ưu đãi từ nguồn lực chung làm một trong những chìa khóa để lớn mạnh.
Trong khi đó, ngoài cái bắt tay dưới gầm bàn, những vị công bộc được giao quyền phân bổ tài nguyên hữu hình hay vô hình của đất nước lại chưa thể hiện được năng lực thẩm định, đánh giá, rồi ‘chọn mặt gửi vàng’. Có vẻ như, nỗ lực phải bắt đầu từ phía những người đang được trao nhiệm vụ chèo lái khối doanh nghiệp Việt Nam đi đúng con đường để tồn tại và phát triển.
Khánh Nguyên (Đất Việt)