Xã hội

Từ thiện

Từ thiện "dài hơi" giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chú trọng làm từ thiện theo hướng “dài hơi”, góp phần tạo dựng tương lai cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều nhóm từ thiện đã tập trung hỗ trợ lâu dài, giúp đường đến trường của các em bớt gian nan.
1. Ra mắt được gần 2 tháng nhưng quỹ học bổng của cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (niên khóa 1996-1999) đã kêu gọi được sự chung tay của nhiều người để hỗ trợ 16 học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh. Chị Đỗ Trần Như Thảo-công tác tại Tập đoàn Trung Nguyên Legend (TP. Hồ Chí Minh), người quản lý quỹ học bổng-cho biết: Trong 9 tháng đến trường, mỗi em được hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng. Cụ thể, tại huyện Chư Sê có 5 em, Kbang 2 em, Ia Grai 2 em, TP. Pleiku 7 em.
Chia sẻ về lý do vận động thành lập quỹ học bổng trên, chị Thảo tâm sự: “Chỉ tri thức mới giúp các em nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn tới ước mơ. Và khi có ánh sáng tri thức, các em sẽ giúp được bản thân và gia đình mình trước tiên, sau đó mới có thể đóng góp cho cộng đồng”.
Trò chuyện cùng P.V, cô Trần Thị Tây Thi-Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng (huyện Kbang) vui mừng chia sẻ: Trường có 2 em vừa được nhận học bổng của cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (niên khóa 1996-1999). Gia đình em Hoàng Thị Cơ là hộ nghèo, cha mất sớm, mẹ phải gồng gánh nuôi 4 anh chị em. Còn gia đình em Trần Thị Thảo cũng hoàn cảnh không kém: bố mẹ ly hôn, 3 chị em Thảo sống với mẹ, nhà cũng thuộc diện hộ nghèo.
“Số học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trường cũng còn nhiều. Mong rằng sẽ có thêm những nhà hảo tâm góp sức hỗ trợ lâu dài để các em có thêm động lực vươn lên trong học tập”-cô Thi mong mỏi.
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, chị Thảo cho biết, sẽ huy động thêm để quỹ ngày càng lớn mạnh, giúp được nhiều học sinh hơn nữa. “Chúng tôi quản lý quỹ rất minh bạch. Khi thấy đồng tiền được “đầu tư” đúng chỗ, hiệu quả, tôi tin rằng nhiều người sẽ chung tay”-chị Thảo tin tưởng.
Hai học sinh Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng (huyện Kbang) được nhận học bổng của cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (niên khóa 1996-1999). Ảnh: Lam Nguyên
Hai học sinh Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng (huyện Kbang) được nhận học bổng của cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (niên khóa 1996-1999). Ảnh: Lam Nguyên
2. Tháng 6-2017, 3 học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn TP. Pleiku đã được một số Mạnh Thường Quân tài trợ học tập tại TP. Hồ Chí Minh cho đến khi tốt nghiệp đại học. Điều kiện nhận học bổng này khá gắt gao khi các em đều phải cam kết nỗ lực để đạt mức điểm trung bình 8.0 cuối mỗi năm học. Học bổng do một nhóm Mạnh Thường Quân là người Gia Lai thành đạt, hiện đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh tài trợ (nhân vật đề nghị không nêu tên).
Trong số 3 em kể trên có một cậu bé khá đặc biệt với biệt danh “chim cánh cụt”, từng là nhân vật trong một bài viết trên báo Gia Lai. Đó là em Nguyễn Văn Tâm, khi ấy đang là học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Bội Châu. Sinh ra đã bị khuyết tật khi tay không đủ ngón, cánh tay cụt ngủn, bố lại bỏ đi khi em còn nhỏ, Tâm chịu rất nhiều thiệt thòi. Ngoài giờ học, em đi bán vé số phụ mẹ.
Thầy Phạm Phúc Thịnh-Hiệu trưởng hệ thống trường Tuệ Đức (TP. Hồ Chí Minh), người kết nối với các nhà hảo tâm và quản lý các em-nhớ lại: “Tôi tình cờ gặp Tâm trong một lần về Pleiku thăm nhà. Lần gặp gỡ đó đã thúc đẩy tôi viết 1 bài báo để vận động cho cậu bé ấy có 1 bộ máy vi tính nhằm thỏa lòng đam mê tin học. Khi về Pleiku tìm các em học sinh phù hợp để trao học bổng này, tôi lại được giới thiệu gặp Tâm. Vậy là, thêm một cơ hội được trao cho em”.  
Hiện Tâm là sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật phần mềm của Đại học FPT. Nhìn nhận về cơ hội quý giá mà mình được trao tặng, Tâm trải lòng: “Em thấy mình may mắn hơn nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn khác. Mỗi khi em gặp vấn đề cần chia sẻ, thầy Thịnh đều có mặt hỗ trợ”.
Tâm chia sẻ thêm, em được nhận học bổng 70% của trường, ngoài ra, em còn làm gia sư nên hầu như không cần hỗ trợ gì nhiều về chi phí, trừ những trường hợp cần kíp. Mới đây, Tâm còn được hỗ trợ chăm sóc răng với chi phí hơn 26 triệu đồng. Cũng như Tâm, 2 đồng hương của em là Lâm Thị Hương Giang và Đỗ Nguyễn Anh Thi cũng đã vào học đại học năm nhất, năm 2 tại TP. Hồ Chí Minh.
Về lý do “đầu tư” theo hướng lâu dài, thầy Phạm Phúc Thịnh tâm sự: “Tặng 1 bữa ăn, 1 món quà thì rất hay nhưng hiệu quả không lâu dài. Mong rằng sau này, các em sẽ thành công và có điều kiện giúp đỡ lại những hoàn cảnh tương tự. Đó chính là cách trả ơn tốt nhất đối với những người đã hỗ trợ các em lâu nay”.
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm