Kinh tế

Tuổi trẻ Chư Sê với phong trào lập thân, lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ xung kích tình nguyện trong các hoạt động Đoàn, Hội, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Chư Sê đã phát huy tính năng động, sáng tạo tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Thanh niên mạnh dạn làm giàu

Đến thôn 4 (xã Ia Blang, huyện Chư Sê), hỏi về anh Đỗ Quốc Cường thì ai cũng biết. Anh Cường vừa xuất ngũ về địa phương năm 2014. Xác định gắn bó với mảnh đất này nên anh chú tâm vào phát triển kinh tế. Bằng sự nỗ lực của bản thân, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã sở hữu 3.000 cây hồ tiêu, 100 cây cà phê, 20 con bò, 10 con dê và đàn heo 50 con. Ngoài ra, anh còn đào ao thả cá và nuôi thêm gà vịt.

 

Đàn dê của anh Hồ Đắc Trường đang sinh sản tốt. Ảnh: T.D
Đàn dê của anh Hồ Đắc Trường đang sinh sản tốt. Ảnh: T.D

“Lúc mới trở về từ quân ngũ, mình cũng loay hoay lắm, chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào. Được sự giúp đỡ, khích lệ từ chi đoàn, mình tìm hiểu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo thời gian, trang trại của mình ngày càng mở rộng”-anh Đỗ Quốc Cường nói về những thành quả của mình. Hiện nay, anh Cường đã có thu nhập lên tới 500 triệu đồng/năm. Nhìn vườn tiêu xanh mướt đang trong mùa thu hoạch và đàn heo, đàn bò đang giai đoạn sinh sản… mới thấy hết được ý chí vượt khó làm giàu của chàng trai 27 tuổi này.

Rời khỏi trang trại của anh Cường, chúng tôi tới tham quan mô hình chăn nuôi của anh Hồ Đắc Trường (thôn Phú Hòa, xã Ia Blang). Nhìn những chú dê béo mẩy đang nhởn nhơ trong chuồng, anh Trường vui vẻ cho biết: “Sau khi được tham quan nhiều mô hình nuôi dê của thanh niên, mình mê lắm. Qua một thời gian tìm hiểu kỹ, mình bắt tay ngay vào mô hình này. Từ 5 con dê ban đầu, đến nay, mình đã nhân giống lên được 23 con và hiện giờ dê vẫn đang sinh sản tốt”. Ngoài việc chăm sóc đàn dê, anh Trường còn làm 1,5 ha hồ tiêu và cà phê. Thu nhập trung bình hàng năm của anh gần 400 triệu đồng/năm. Là Bí thư chi đoàn Quân sự của xã, anh vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vừa là người làm gương, đi đầu trong các phong trào để đoàn viên, thanh niên noi theo.  

Hành trang cho thanh niên lập nghiệp

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Chư Sê đã đẩy mạnh phong trào học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất. Huyện Đoàn đã duy trì có hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ tại các chi đoàn và Đoàn trực thuộc, tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên xác định được động cơ và mục đích trong lao động sản xuất.

 

Với phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, một tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn tặng bằng khen.

Trao đổi với P.V, anh Võ Công Hòa-Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê cho biết: “Một trong những hoạt động có hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên trong toàn huyện đó là việc thực hiện phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Theo đó, thanh niên giúp nhau xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Huyện Chư Sê hiện có 11.879 đoàn viên, thanh niên. Với phương châm trao “cần câu”, Huyện Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê trong việc ủy thác nguồn vốn do Đoàn Thanh niên quản lý hơn 28 tỷ đồng, giúp đoàn viên, thanh niên vay để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm, khó khăn về giống, vốn, kỹ thuật khi khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên. Hiện nay, toàn huyện có 50 trang trại trẻ, mỗi trang trại có diện tích 3-5 ha. Mỗi năm thu nhập bình quân của một trang trại từ 300 triệu đồng đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, những trang trại này còn giải quyết việc làm cho 8-14 nhân công.

Có thể nói, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” trong những năm qua đã phát huy được tinh thần xung kích của tuổi trẻ Chư Sê trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm