(GLO)- Các tổ chức Đoàn, Đội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực nhằm góp phần lan tỏa những thông điệp về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”
“Đổi sách lấy cây” là hoạt động được Liên Đội Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (TP. Pleiku) tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho đội viên. Khi tham gia chương trình này, các em mang theo chai lọ nhựa, vỏ lon bia, sách, truyện… là có thể đổi lấy những chậu cây xinh xắn. Cầm trên tay 10 cuốn sách cũ và một số vỏ chai nhựa, em Rmah H’Kim (lớp 8/2) vui vẻ nói: “Khi Liên Đội thông báo về chương trình “Đối sách lấy cây”, em tranh thủ thời gian đi gom những chiếc chai nhựa để đổi cây xanh. Em rất vui vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa để bảo vệ môi trường”.
Chỉ trong 1 ngày, Liên Đội Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã thu gom được 1.200 vỏ lon bia, 159 kg giấy, 3 kg chai nhựa, 245 quyển truyện và 155 quyển sách tham khảo. Số sách còn mới được bổ sung vào thư viện nhà trường. Số rác thải nhựa thu gom được Liên Đội bán gây quỹ kế hoạch nhỏ, giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chị Trần Thị Quỳnh Giao-Tổng phụ trách Đội-cho biết: “Đổi sách lấy cây là hoạt động rất ý nghĩa. Liên Đội đã tổ chức hoạt động này nhiều lần và được các em hưởng ứng tích cực. Hy vọng hoạt động này sẽ nâng cao nhận thức cho học sinh về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. Thay vào đó, khuyến khích các em sử dụng vật liệu, đồ dùng làm từ tự nhiên, thân thiện với môi trường. Từ đó, các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân phân loại rác và bỏ rác đúng chỗ”.
Học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (TP. Pleiku) thu gom chai nhựa, vỏ lon bia để đổi lấy cây xanh. Ảnh: Phan Lài |
Đội xung kích bảo vệ môi trường của Trường THCS Lê Lợi (TP. Pleiku) được thành lập vào năm 2015. Mô hình này xuất phát từ ý tưởng của cô Nguyễn Thị Huệ-giáo viên Ngữ văn. Lúc đầu, đội chỉ có 8 thành viên tham gia, nhưng nay đã tăng lên 20 thành viên. Cuối buổi học, đội xung kích bảo vệ môi trường chia thành từng nhóm nhỏ đi thu gom giấy vụn, vỏ chai nhựa, vỏ lon trong khuôn viên trường. Không chỉ dọn dẹp trong trường, các em còn chia nhau ra đi thu gom rác thải nhựa ở bên ngoài cổng trường và những khu vực xung quanh. Các em khéo léo biến một số chai nhựa thu gom được thành chậu để trồng cây, trồng hoa.
Những lon bia, giấy vụn khi thu gom được đem bán để gây quỹ. Hàng năm, Liên Đội thu được 500-700 ngàn đồng từ việc bán rác thải nhựa. Từ nguồn quỹ này, 5 năm qua, Liên Đội đã tặng 34 suất quà cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Em Nguyễn Thị Ngọc Trâm-thành viên đội xung kích bảo vệ môi trường-chia sẻ: “Chúng em góp sức thu gom rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Việc làm không mấy nặng nhọc, chỉ cần dành chút thời gian để trường học thêm sạch đẹp nên chúng em luôn sẵn sàng tham gia. Hơn nữa, số tiền bán rác thải nhựa còn giúp đỡ được nhiều bạn khó khăn trong trường nên chúng em thấy rất vui”.
Biến bãi rác thành… vườn hoa
Khu vực bãi đất trống nằm sau Sân vận động huyện Chư Sê mấy năm gần đây trở thành bãi rác tự phát làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Anh Nguyễn Viết Hùng-Bí thư Đoàn thị trấn Chư Sê-chia sẻ: “Dù đoàn viên, thanh niên thường xuyên dọn dẹp, nhắc nhở nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì tình trạng này tiếp tục tái diễn”.
Trước tình trạng này, cuối tháng 1-2021, Đoàn thị trấn Chư Sê xin chủ trương cải tạo khu vực này thành vườn hoa. Theo đó, đoàn viên, thanh niên dọn dẹp khu đất, thuê máy ủi san mặt bằng rồi trồng hoa giấy, hoa lạc dại và cây mắt ngọc. Hiện tại, vườn hoa được mở rộng 1.200 m2. Sau khi hình thành vườn hoa, Đoàn thị trấn đã làm biển chỉ dẫn và nhắc nhở bà con đem rác ra điểm tập kết đúng quy định.
Đoàn Thanh niên thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) trồng vườn hoa thanh niên. Ảnh: Phan Lài |
Công trình biến bãi rác thành vườn hoa của Đoàn thị trấn Chư Sê đã được Tỉnh Đoàn tuyên dương là 1 trong 4 mô hình tiêu biểu trong Tháng Thanh niên năm 2021. Mô hình này đã được chia sẻ để các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh học tập, nhân rộng. “Sau khi vườn hoa phát triển xanh tốt, Đoàn thị trấn bàn giao lại cho 3 Chi Đoàn: tổ dân phố 1, tổ dân phố 10, làng Ngol Ser Glan phụ trách. Đoàn thị trấn sẽ tiếp tục triển khai mô hình này ở nhiều khu vực khác để góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân và xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp”-anh Hùng cho hay.
Bên cạnh mô hình ý nghĩa này, nhiều tổ chức Đoàn đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác bảo vệ môi trường bằng cách đảm nhận các tuyến đường giao thông tự quản; tổ chức nhiều đợt ra quân “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” để tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải; xây dựng các bể chứa chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại các cánh đồng. Đồng thời, tận dụng lốp xe, những vật dụng bỏ đi để biến thành các đồ dùng thân thiện với môi trường hoặc khu vui chơi cho trẻ em khó khăn. Những việc làm cụ thể của đoàn viên, thanh niên đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác của tuổi trẻ và cộng đồng trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp.
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn:Thời gian qua, nhiều tổ chức Đoàn, Đội đã triển khai những phần việc, công trình phù hợp để bảo vệ môi trường. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thường xuyên đổi mới công tác giáo dục thanh-thiếu niên, nhi đồng về bảo vệ môi trường, tuyên truyền thường xuyên và phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Những mô hình tiêu biểu, cách làm hay sẽ được tuyên dương, khuyến khích nhân rộng trên địa bàn tỉnh. |
PHAN LÀI