Giáo dục

Tuyển sinh

Tuyển sinh đại học năm 2024: Nhiều điểm mới, mở thêm ngành học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) bắt đầu xây dựng và công bố đề án tuyển sinh cho năm 2024, định hướng cho năm 2025.

Nhiều trường dự kiến mở thêm một số ngành, chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển.

Thí sinh nghe tư vấn nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thí sinh nghe tư vấn nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đào tạo nhân lực công nghệ cao

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) thông báo tuyển sinh mới 7 ngành, chuyên ngành đào tạo bậc ĐH và xem xét mở thêm các chuyên ngành khác. Theo đó, 4 ngành mới gồm: Thiết kế vi mạch, Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu; 3 chuyên ngành mới gồm: Quản lý xây dựng, Hóa dược, Hóa mỹ phẩm.

Theo PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, trong năm 2024, trường dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh được sử dụng như năm trước. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí là chủ đạo. Phương thức tuyển sinh này kết hợp đánh giá thí sinh theo 3 tiêu chí: học tập (với các điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TPHCM, điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT); thành tích học tập/khoa học; hoạt động văn thể mỹ và các đóng góp cho cộng đồng. Trong tiêu chí học tập, thành phần điểm thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức chiếm tỷ trọng cao nhất.

Một trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TPHCM là Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng cho biết đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn, dự kiến tuyển sinh trong năm 2024. Hai ngành này có thời gian đào tạo 4 năm với tổng số 135-140 tín chỉ, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được bằng cử nhân kỹ thuật.

Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng dự kiến tuyển sinh nhiều ngành đào tạo mới như: Khoa học dữ liệu, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ tài chính…

Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin, năm 2024 trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển, gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của trường và sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM. Dự kiến, trong năm 2024 trường cũng mở thêm ngành Thiết kế vi mạch.

Còn theo Th.S Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, năm 2024 trường tuyển mới 7 ngành, gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính. Đây đều là những ngành có nhu cầu nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số.

Năm 2024, trường dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức xét tuyển độc lập: xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).

Điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu

Trường ĐH Luật TPHCM vừa công bố phương thức tuyển sinh trình độ ĐH hình thức chính quy năm 2024. Bên cạnh xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, trường áp dụng phương thức xét theo đề án tuyển sinh riêng của trường.

Theo Th.S Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo nhà trường, năm 2024 nhà trường tuyển sinh theo 2 phương thức: phương thức 1 là tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường cho 45% tổng chỉ tiêu; phương thức 2 là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, với 55% tổng chỉ tiêu. Trường không sử dụng kết quả miễn thi đối với môn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, không sử dụng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước đó để xét tuyển.

Theo TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, trường dự định tăng chỉ tiêu và tăng số lượng chương trình đào tạo sử dụng phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính (tuyển sinh riêng). Chẳng hạn, chương trình ĐH chính quy chuẩn dự kiến dành khoảng 30%-35% chỉ tiêu phương thức xét điểm kỳ thi riêng (năm ngoái chỉ 10%-15%).

Năm 2023, chương trình chất lượng cao chưa áp dụng phương thức xét tuyển này thì năm 2024 dự kiến dành 15%-20% chỉ tiêu. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi ĐGNL chuyên biệt trong năm 2024. Trường dự kiến tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển bằng điểm kỳ thi ĐGNL chuyên biệt từ 20% lên 40%.

Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) dự kiến xem xét sử dụng chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam trong xét tuyển năm 2024. Trường dự kiến điều chỉnh tiêu chí đánh giá, với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM. Cụ thể, trường có thể kết hợp thêm chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc khi xét tuyển học sinh nhóm trường THPT chuyên, năng khiếu và nhóm trường có học sinh đạt kết quả cao kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm.

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nha Trang cũng chốt phương hướng tuyển sinh ĐH hệ chính quy từ năm 2025. Theo đó, trường định hướng xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT và kết quả ĐGNL. Với phương thức xét kết quả học tập THPT, nhà trường dựa vào kết quả học tập bậc THPT một số môn nhất định theo quy định của trường phù hợp với ngành, chuyên ngành. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.

Có thể bạn quan tâm