Tuyên truyền về bầu cử: Đảm bảo chính xác, khách quan, công tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cơ quan báo chí là một trong những cầu nối quan trọng cung cấp thông tin cho cử tri và người dân cả nước. Vì vậy, công tác tuyên truyền phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, công tâm.

Tại Hội nghị tập huấn báo chí tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua, ông Hoàng Vĩnh Bảo-Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia-cho rằng: Vai trò của các cơ quan báo chí đối với cuộc bầu cử là rất quan trọng.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, các cơ quan báo chí có trách nhiệm rất lớn trong việc tuyên truyền như thế nào để người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử được thể hiện cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật; việc thực hiện bầu cử phải theo trình tự như thế nào và mức độ tham gia của người dân, các tổ chức ở từng bước”.

 Học viên trao đổi tại buổi tập huấn. Ảnh: Phương LInh
Học viên trao đổi tại buổi tập huấn. Ảnh: Phương Linh


Đặc biệt, ông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan báo chí nêu cao vai trò định hướng dư luận xã hội. Từ lãnh đạo đến từng nhà báo, phóng viên phải là những người hiểu rõ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, phải có nhận thức chính trị vững vàng để đủ tỉnh táo phân biệt những thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng và thể chế nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cần tăng cường thông tin tích cực nhằm tạo sự lan tỏa, khí thế sôi nổi trong toàn dân cho tới ngày bầu cử 23-5.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có khoảng 90.000 tổ bầu cử trong cả nước. Để sự kiện này thực sự là ngày hội của toàn dân, cử tri phát huy hết vai trò làm chủ của mình thì báo chí phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Theo TS. Nguyễn Hải Long-Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (Quốc hội), các cơ quan báo chí cần chú ý thời điểm, thời lượng tuyên truyền, đặc biệt khi các ứng cử viên bắt đầu vận động tranh cử.

“Chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong tuyên truyền vận động tranh cử. Các ứng cử viên đều như nhau, không phân biệt nghề nghiệp, vị trí, chức danh hiện tại. Thời lượng, thời gian tuyên truyền về chương trình hành động của các ứng cử viên trên cùng một tờ báo phải như nhau, thứ tự tuyên truyền theo bảng chữ cái, tránh để người dân hiểu lầm cơ quan báo chí đang ưu tiên vận động tranh cử cho bất kỳ người ứng cử nào”-TS. Nguyễn Hải Long nhấn mạnh.

Tại hội nghị, TS. Đinh Thị Mai-Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) đề nghị: “Các cơ quan báo chí cần phải bám sát định hướng tuyên truyền. Khi đưa tin, bài phản ánh các cuộc vận động tranh cử của ứng cử viên phải đảm bảo chính xác, khách quan và công tâm. Mỗi tờ báo có thể lựa chọn cách tuyên truyền phù hợp với tiêu chí riêng của mình, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu trên”.

Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền cũng lưu ý các nhà báo, phóng viên không nên giật tít gay cấn, bỏ lửng, không đảm bảo yếu tố chính xác, mang tính định hướng thông tin. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu nhằm làm rõ vai trò, nghĩa vụ của người ứng cử, cử tri, quy trình bầu cử. So sánh những điểm mới trong bầu cử của nhiệm kỳ này với trước để người dân thấy được sự phát triển, tiến bộ và sự cần thiết của cuộc bầu cử.

Một trong những nhiệm vụ mà báo chí cần chú trọng tuyên truyền từ nay cho đến ngày bầu cử là công tác lập danh sách cử tri. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Công tác rà soát, chốt danh sách cử tri trước ngày bầu cử phải đảm bảo chính xác, kịp thời để những người dân còn quyền công dân được thực hiện quyền lợi của mình là bầu chọn ra những người đủ tiêu chuẩn vào cơ quan quyền lực nhà nước. Do đó, báo chí phải làm thật tốt công tác tuyên truyền về vấn đề này”.

 

 PHƯƠNG LINH