Kinh tế

Tỷ phú nông dân trên vùng đất anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bằng ý chí và sự nhạy bén trong sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Anh đã vượt qua khó khăn để trở thành tỷ phú nông dân ở xã Gào (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Năm 1997, ông Nguyễn Ngọc Anh đưa vợ con từ Đak Lak về thôn 5 (xã Gào) sinh sống. Nói về cơ duyên đến với vùng đất này, ông chia sẻ: “Tôi muốn đi tìm vùng đất mới để gây dựng sự nghiệp. Sau khi tìm hiểu, tôi dừng chân tại xã Gào. Đất ở đây bằng phẳng, màu mỡ nên rất phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày. Vậy là tôi quay về đón vợ con qua đây định cư”. 
Những năm đầu ở xã Gào, dù phải đối diện với vô vàn khó khăn, nhưng gia đình ông vẫn kiên trì bám trụ. Ông kể: “Năm 1997, nơi đây toàn rừng rậm, dân cư thưa thớt. Bên cạnh đó, điện, đường, trường, trạm còn thiếu thốn nên mọi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có những mùa đói khiến nhiều người trong gia đình tôi nản chí. Nhưng, nghĩ đây là mảnh đất màu mỡ để phát triển kinh tế, tôi đã động viên vợ con kiên trì bám trụ”.
Ông Nguyễn Ngọc Anh bên vườn mắc ca của gia đình. Ảnh: Trần Dung
Ông Nguyễn Ngọc Anh bên vườn mắc ca của gia đình. Ảnh: Trần Dung
Với niềm tin “đất không phụ người”, hàng ngày, ông động viên vợ con tích cực cải tạo đất để trồng trọt. Ban đầu, ông trồng 6 ha cà phê. Nhưng những năm sau đó, giá cà phê bấp bênh nên ông nghĩ đến việc trồng thêm cây mắc ca. Ông quay lại Đak Lak để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm tại một số vườn mắc ca đạt hiệu quả cao.
Sau vài năm trồng thử nghiệm, thấy cây mắc ca phù hợp với vùng đất xã Gào, năm 2013, ông đầu tư trồng 300 cây mắc ca xen trên diện tích cà phê cằn cỗi. Cứ thế, ông ngày đêm cần cù dốc sức chăm sóc vườn cây với hy vọng sẽ “thu về quả ngọt”. Lâu dần, ông am hiểu cây mắc ca đến mức có thể nhìn màu lá là biết ngay cây bị bệnh gì hay nhìn gốc là biết cây thiếu chất gì để có hướng chăm sóc phù hợp.
5 năm sau, vườn mắc ca đem về cho ông nguồn thu gần 200 triệu đồng/năm. “Cây mắc ca hợp đất, dễ trồng mà lại kháng bệnh tốt. Tôi không ngờ mắc ca cho quả to, sai và đạt năng suất cao như vậy. Hàng năm, gia đình tôi thu về gần 800 triệu đồng từ 6 ha cà phê và 300 cây mắc ca. Ngay sau đó, tôi quyết định trồng thêm 500 cây mắc ca. Hiện nay, vườn của tôi có khoảng trên 800 cây mắc ca đang sinh trưởng và phát triển tốt. Với diện tích này, thời gian tới, tôi dự định xây dựng xưởng chế biến mắc ca ngay tại trang trại của mình”-ông Ngọc Anh phấn khởi cho hay.
Ông Anh hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây giống mắc ca. Ảnh Trần Dung
Ông Nguyễn Ngọc Anh hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây giống mắc ca. Ảnh: Trần Dung
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Ngọc Anh còn là cán bộ Hội Nông dân tâm huyết. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Cùng với đó, ông tích cực vận động hội viên chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, ông còn là cầu nối giúp hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện gia đình ông cung cấp giống mắc ca cho nhiều hộ trong xã. Tính riêng trong năm 2020, ông đã cung cấp gần 4.000 cây giống mắc ca đạt chất lượng cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Ánh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Gào-nhận xét: Ông Nguyễn Ngọc Anh là người đầu tiên đưa giống cây mắc ca về trồng tại xã Gào. Cây mắc ca đang là một trong những cây trồng phát triển tốt và cho thu nhập cao. Ông Nguyễn Ngọc Anh là một trong những tấm gương tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi, xứng đáng để người dân, hội viên trên địa bàn học tập, làm theo.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm