(GLO)- Bằng vốn kiến thức tích lũy được, em Nguyễn Minh Trí (lớp 12A2) và Trần Minh Thư (lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã biến rác thải sinh hoạt thành nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng. Ý tưởng này không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn có thể hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp bền vững bằng giải pháp sinh học.
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh nằm gần làng Khưn, phường Trà Bá, TP. Pleiku. Vì vậy, mỗi ngày đến trường, Trí và Thư đều đi ngang qua làng. Chứng kiến những bãi rác tự phát “mọc lên” nhan nhản ở khu vực này, gây ô nhiễm môi trường, 2 em cứ ám ảnh.
Thư chia sẻ: “Rác thải sinh hoạt bị người dân vứt vương vãi không đúng nơi quy định. Vì chưa có hệ thống thu gom, xử lý nên rác tồn đọng lâu dần thành bãi lớn. Mùa nắng, chúng bốc mùi hôi thối khó chịu; còn mùa mưa, rác lại theo nước trôi khắp đường, ngập cả lối đi rất mất vệ sinh. Trước thực trạng đó, chúng em nghĩ, tại sao mình không vận dụng kiến thức đã học để biến những đống rác thải sinh hoạt này thành phân hữu cơ, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao năng suất cho cây trồng. Qua đó, chúng em còn có thể tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường”.
Có chung niềm đam mê với bộ môn Sinh học, Trí và Thư liền bắt tay hiện thực hóa ý tưởng này. Với sự hỗ trợ của các bạn cùng lớp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt của 150 hộ dân tại làng Khưn, sau đó, phân loại để xử lý. Rác vô cơ được các em tập kết về đúng nơi quy định. Riêng rác hữu cơ, 2 em trộn đều với men vi sinh rồi sử dụng vỏ quả dứa và vỏ quả đu đủ kết hợp ủ thành phân bón.
“Chúng em được biết, enzyme bromelain có trong vỏ quả dứa và enzyme papain có trong vỏ quả đu đủ sẽ làm tăng tốc độ phân hủy của protein trong rác thải sinh hoạt hữu cơ, tạo thành nguồn acid amin dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt, chúng còn làm giảm mùi hôi thối sinh ra từ rác sau khi phân hủy, tạo nên sản phẩm phân hữu cơ với hàm lượng dinh dưỡng cao. Do đó, chúng em đã quyết định thử nghiệm và thu được kết quả rất khả quan”-Trí phấn khởi nói.
Nguyễn Minh Trí (bìa trái), Trần Minh Thư cùng cô giáo trong giờ thực hành thí nghiệm. Ảnh: Mộc Trà |
Thầy Nguyễn Hồ Vũ Phong-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh: Chúng tôi rất vui khi học sinh sớm có ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải sinh hoạt. Càng phấn khởi hơn khi vừa qua, đề tài nghiên cứu của Nguyễn Minh Trí và Trần Minh Thư đạt giải tư tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021). Nhà trường cũng đã tuyên truyền rộng rãi cho học sinh trong toàn trường biết về đề tài này, đồng thời khuyến khích các em áp dụng để mang lại hiệu quả thiết thực tại gia đình mình. |
Sau khi hoàn thành các mẫu phân bón thí nghiệm, Trí và Thư đã gửi đi phân tích hàm lượng dinh dưỡng N, P, K tại Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định) để tìm ra mẫu phân thí nghiệm cho kết quả tối ưu. Qua đối sánh, 2 em nhận thấy, việc sử dụng vỏ dứa và vỏ đu đủ kết hợp với chế phẩm vi sinh trong ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ hiệu quả hơn rất nhiều so với sử dụng trùn quế ăn rác thải để tạo phân bón ở những nghiên cứu trước đó.
Đáng chú ý, hàm lượng dinh dưỡng, nhất là đạm có trong phân hữu cơ mà các em ủ được gần như tương đương và cao hơn các loại phân bón vi sinh hiện bán trên thị trường, trong khi chi phí đầu tư là vô cùng thấp. Thêm vào đó, với các acid amin có sẵn trong phân hữu cơ, cây trồng có thể hấp thụ trực tiếp mà không phải mất thêm một bước tổng hợp như khi sử dụng các loại phân bón khác. Cây nhờ thế sẽ sinh trưởng, phát triển nhanh hơn. Điều này đã được các em kiểm chứng qua vườn rau thực nghiệm tự trồng và vườn rau, củ của một số hộ dân.
Đề tài nghiên cứu của Trí và Thư đã đạt giải tư tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021). Ảnh: Mộc Trà |
“Thông qua nghiên cứu đề tài, chúng em mong muốn bà con làng Khưn nói riêng và cộng đồng nói chung nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, đồng thời biết cách phân loại rác để tận dụng rác hữu cơ ủ phân bón. Ngoài ra, chúng em cũng hy vọng sẽ góp phần nhỏ hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp bằng giải pháp sinh học, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Nếu có điều kiện, chúng em sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng đề tài trên toàn tỉnh để mang lại lợi ích kép cho nhiều gia đình và cộng đồng”-Trí bày tỏ.
Nhận xét về công trình nghiên cứu của học trò, cô Nguyễn Thị Thanh Uyên-Tổ trưởng Tổ Sinh học-Công nghệ (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) cho hay: “Khi nghe 2 em đề xuất ý tưởng, tôi cảm thấy đề tài khá hay, sáng tạo và có tính thực tiễn cao nên sẵn sàng hỗ trợ các em trong suốt 4 tháng thực hiện. Là giáo viên dạy Sinh học, hơn ai hết, tôi luôn mong muốn học trò của mình có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất. Với đề tài này, mỗi học sinh vẫn có thể tự tạo ra sản phẩm phân bón để bán trên thị trường, vừa rèn luyện được kỹ năng sống, vừa có thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ trang trải việc học”.
MỘC TRÀ