Thể thao

Thể thao cộng đồng

U21 Việt Nam dự ASIAD: Muộn còn hơn không

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quyết định cử đội U21 Việt Nam dự giải đấu như ASIAD 19 là quyết sách phù hợp với bước đà phát triển của bóng đá nước nhà trong những năm gần đây. 
Quyết định gây bất ngờ
Nếu như vòng chung kết U22 Đông Nam Á chỉ là một giải đấu phụ, nên tạo điều kiện cho các cầu thủ lứa tuổi 21 thi đấu thì ASIAD vẫn là đại hội thể thao lớn, là thước đo quan trọng cho nền thể thao của các quốc gia Châu Á. Tuy nhiên, quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã gây bất ngờ khi tiết lộ thông tin U23 Việt Nam sẽ không tham dự giải đấu này.
VFF đã có văn bản gửi Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để xin phép cử đội U21 Việt Nam chính thức dự ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bóng đá Việt Nam dự các kì ASIAD trước đây.
Trao đổi với Lao Động, quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: "Theo kế hoạch, Ban chấp hành VFF kiến nghị với các cơ quan chức năng cho phép U21 Việt Nam dự giải U23 Đông Nam Á và ASIAD tại Hàng Châu, còn đội U23 Việt Nam chính thức sẽ dự SEA Games 31 trên sân nhà và vòng chung kết U23 Châu Á. U23 Việt Nam cần chọn mục tiêu trọng điểm để duy trì sự ổn định hệ thống thi đấu chuyên nghiệp trong nước".
Ông Tuấn dẫn chứng thêm rằng, Olympic Nhật Bản cũng từng mang đội U21 dự ASIAD 18 và để thua Olympic Việt Nam. Ngoài việc giữ cho các giải đấu chuyên nghiệp trong nước diễn ra bình thường, thành phần U21 Việt Nam dự ASIAD 19 chính là lứa cầu thủ sẽ dự SEA Games 32 trên đất Campuchia.
 
VFF đề xuất cử đội U21 Việt Nam tham dự ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: VFF
VFF đề xuất cử đội U21 Việt Nam tham dự ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: VFF
Muộn còn hơn không
Mãi đến thời điểm này, VFF mới có thể "dũng cảm" hơn trong việc chuẩn bị cho một số giải đấu trẻ. Còn nhớ, năm 2017 chứng kiến mùa giải kéo dài bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam cũng bởi những quãng nghỉ liên tục.
Hồi giữa năm 2017, V.League phải tạm nghỉ hơn 2 tháng đề nhường chỗ cho U20 Việt Nam chuẩn bị cho FIFA U20 World Cup 2017. Tiếp đó, các đội bóng chỉ thi đấu đúng 3 vòng và lại tiếp tục phải nghỉ để nhường chỗ cho U23 Việt Nam chuẩn bị vòng loại U23 Châu Á và SEA Games 29. Vô hình trung, chất lượng của V.League bị ảnh hưởng khá nặng nề, tính hấp dẫn và chuyên môn cũng vì thế mà đi xuống.
Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho bóng đá Việt Nam nhưng cũng giúp chúng ta có bước chuyển mình quan trọng. V.League phải huỷ khi chưa đi hết nửa chặng đường khiến tuyển Việt Nam chỉ có thể "tập chay" rồi thi đấu trong gần 6 tháng. Các cầu thủ không được ra sân nhiều, huấn luyện viên Park Hang-seo có muốn thêm người…cũng khó. Nhờ đây, tầm quan trọng và ảnh hưởng của V.League với đội tuyển quốc gia được thấy rõ hơn bao giờ hết.
Ở một góc độ khác, khi "cơn khát" thành tích ở giải trẻ đã đi qua với huy chương vàng SEA Games 30, ngôi Á quân U23 Châu Á 2018 và hạng 4 ASIAD 18, người hâm mộ Việt Nam cũng dần có cái nhìn khác hơn về các giải đấu trẻ. Mục tiêu quan trọng nhất ở các giải đấu này vẫn là sự phát triển của các cầu thủ trẻ chứ không phải câu chuyện về thành tích.
Khi đã hội tủ đủ các yếu tố, quyết định của VFF về các giải đấu trẻ quốc tế tuy muộn nhưng vẫn là tiền đề quan trọng cho nhiều kế hoạch dài hơi. Chỉ khi thực sự chuyên nghiệp từ khâu hoạch định chính sách từ thượng tầng, bóng đá Việt Nam mới có thể mơ về bước phát triển ổn định trong thời gian dài.
KHÁNH AN (LĐO)

https://laodong.vn/bong-da/u21-viet-nam-du-asiad-muon-con-hon-khong-993505.ldo

Có thể bạn quan tâm