Cử tri huyện Kbang kiến nghị:
* Đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi nâng mức hỗ trợ tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 98/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh Gia Lai về việc quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 124/2020/NQ- HĐND ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh Gia Lai).
Bởi hiện nay, mức chi phí thực tế cao hơn mức hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung đối với học viên là cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố và hình thức tổ chức tương đương khác được cử đi đào tạo, bồi dưỡng là 50.000 đồng/người/ngày, trong khi đó mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố còn thấp.
Kết quả giải quyết:
Tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 98/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh Gia Lai về việc quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai (sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 124/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh Gia Lai), quy định: “Mức chi hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung đối với học viên là cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố và hình thức tổ chức tương đương khác được cử đi đào tạo, bồi dưỡng là 50.000 đồng/người/ngày. Các cơ quan, đơn vị cử đi học sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ”. Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị UBND huyện Kbang rà soát kiến nghị cử tri, hướng dẫn tiếp tục thực hiện theo đúng quy định. Việc nâng mức hỗ trợ, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu và cân đối khả năng ngân sách để trình HĐND tỉnh quyết định trong thời gian thích hợp.
* Đề nghị UBND tỉnh xem xét, có cơ chế đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức tại xã Kon Pne, huyện Kbang. Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên, viên chức y tế, công chức về công tác tại xã rất khó khăn do xã Kon Pne được công nhận là xã vùng I từ năm 2021, do đó một số chế độ hỗ trợ cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức công tác tại xã đặc biệt khó khăn không còn. Kon Pne là xã xa nhất huyện Kbang, từ trung tâm huyện đi vào xã Kon Pne khoảng 80 km nhưng các chế độ, chính sách cho người dân cũng giống như các xã trung tâm huyện.
Kết quả giải quyết:
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã tham mưu văn bản số 1502/SNV-CCVC ngày 01/7/2024 gửi UBND tỉnh về việc trả lời kiến nghị của cử tri huyện Kbang và UBND tỉnh đã có Báo cáo số 121/BC-UBND ngày 04/7/2024 về Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri theo Báo cáo số 161/BC-HĐND ngày 28/6/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Như vậy, kiến nghị của cử tri huyện Kbang đến nay đã giải quyết xong.
HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 290/KH-HĐND ngày 29/10/2024 để khảo sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc lĩnh vực pháp chế trong đó có nội dung nêu trên. Sau khi có kết luận của HĐND tỉnh sau buổi khảo sát thì UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện.
* Đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết hỗ trợ cho diện tích các loại cây trồng bị thiệt hại do bão số 04 gây ra trong năm 2022 đối với xã Tơ Tung. Trong đợt bão số 04 năm 2022, ngày 12/10/2022, xã Tơ Tung, huyện Kbang có hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do bão số 4 gây ra gửi UBND huyện và được UBND huyện tổng hợp đợt 2 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 09/01/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 84/SNNPTNT-CCTL về việc rà soát thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2022 chưa tổng hợp số liệu, báo cáo đề xuất Trung ương hỗ trợ thiệt hại. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đề nghị hỗ trợ phát sinh là phù hợp và đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai gây ra trong năm 2022. Tuy nhiên, theo Quyết định số 326/QĐ-UBND ngày 16/6/2023, UBND tỉnh tạm cấp kinh phí hỗ trợ để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bão số 04 gây ra năm 2022 trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì huyện Kbang chỉ có 4/5 xã được cấp kinh phí hỗ trợ (không có xã Tơ Tung).
UBND huyện đã ban hành văn bản số 1196/UBND-KT ngày 31/8/2023 về việc đề nghị tiếp tục cấp kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 4 năm 2022 gây ra {hễ trợ đợt 2 cho xã Tơ Tung) gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, kiến nghị đến nay chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Kết quả giải quyết:
Ngày 12/7/2024, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1701/UBND-NL ngày 12/7/2024 về kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 4 năm 2022 gây ra trên địa bàn huyện Kbang\ giải quyết kiến nghị nêu trên của huyện Kbang cụ thể như sau: Số kinh phí đề xuất hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 4 năm 2022 của huyện Kbang là không lớn (71,79 triệu đồng). Vì vậy, yêu cầu UBND huyện Kbang chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 4 năm 2022 gây ra.
Yêu cầu UBND huyện Kbang nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản nêu trên.
* Tại Điều 1 Nghị quyết 127/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh quy định “Khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, bao gồm: khu vực thuộc Tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã; tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND cấp huyện phê duyệt”. Hiện nay cấp xã trên địa bàn huyện có 2 loại quy hoạch là: Quy hoạch chung xây dựng xã và Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm xã. Trong khi đó, tại khu trung tâm xã có số hộ chăn nuôi lợn nhiều, mùi hôi, nước thải phát sinh trong chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, làm việc của các hộ dân lân cận, trường học, cơ quan hành chính,...
Để có cơ sở áp dụng thực hiện khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn xã, đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi nội dung “khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND cấp huyện phê duyệt” thành “khu Quy hoạch chi tiết Trung tâm xã được UBND cấp huyện phê duyệt” tại Điều 1 Nghị quyết 127/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh.
Kết quả giải quyết:
HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Gia Lai, theo đó tại Điều 1 Nghị quyết quy định:
“Điều 1. Khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Khu vực thuộc Tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã; tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND cấp huyện phê duyệt
Theo đó, cấm chăn nuôi ở khu vực thuộc Tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã; tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu quy hoạch trung tâm hành chính xã. Đối với các cơ sở chăn nuôi nằm trong thôn, làng thuộc phường của thành phố, thị xã; thôn, làng thuộc thị trấn của các huyện vẫn được phép chăn nuôi (Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh, chỉ quy định đối với tổ dân phố mà không quy định tương đương). Tuy nhiên, phải đảm bảo đúng quy định về khoảng cách trong chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2023/TT- BNNPTNT ngày 15/12/2023.
Từ những căn cứ trên, đề nghị cử tri huyện Kbang nghiên cứu kỹ quy định nêu trên (về phạm vi của 02 loại quy hoạch) để xác định ranh giới áp dụng. Yêu Cầu UBND huyện Kbang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn, quản lý, giám sát, xử lý (nếu có) để các cơ sở chăn nuôi chấp hành nghiêm quy định về chăn nuôi, thú y, bảo vệ môi trường.
* Đề nghị UBND tỉnh xem xét mở tuyến đường từ xã Kon Pne, huyện Kbang đi xã Hà Đông, huyện Đak Đoa để tăng cường kết nối giao thương giữa xã Kon Pne với các xã của huyện Đak Đoa cũng như các xã, huyện lân cận và thành phố Pleiku (hiện nay, trục đường từ xã Kon Pne đến trung tâm huyện Kbang khoảng 80 km, đến thành phố Pleiku khoảng 170 km) (Cử tri huyện Kbang).
Kết quả giải quyết:
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá tác động của tuyến đường đến đất rừng, môi trường và công tác quản lý, bảo vệ rừng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì kiểm tra và đề xuất tạm dừng việc đề xuất đầu tư dự án do ảnh hưởng tiêu cực đến Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng; ảnh hưởng lớn đến việc quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ toàn vẹn tính đa dạng sinh học; khó khăn trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng...
Ngoài ra, tuyến đường từ xã Kon Pne, huyện Kbang đi xã Hà Đông, huyện Đak Đoa thuộc quy hoạch tuyến đường tỉnh mới (tuyến T5) trong danh mục các dự án đầu tư sau năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 về phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Như vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 việc đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Kon Pne, huyện Kbang đi xã Hà Đông, huyện Đak Đoa là không khả thi và chưa phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023.