Bạn đọc

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý; nghiên cứu và lập các dự án đầu tư trồng rừng đối với diện tích đất rừng khộp chưa có rừng...

1. Cử tri thị xã An Khê kiến nghị:

Hiện nay khu vực An Điền Bắc 2 (cũ) dọc tuyến đường liên xã (nay là đường huyện 76) có 44 hộ dân đã định cư sinh sống từ năm 1998 đến nay (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) trên phần diện tích gần 40 ha đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tham mưu giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân trên.

Kết quả giải quyết:

Để giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị của các hộ dân thuộc thị xã An Khê, UBND tỉnh giao UBND thị xã An Khê triển khai một số nội dung sau:

- Trên cơ sở Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, UBND thị xã An Khê phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, đưa phần diện tích của các hộ dân đang sử dụng đất ổn định và đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất ra khỏi quy hoạch 03 loại rừng. Sau khi có kết quả rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 03 loại rừng thì báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để kiểm tra, đề xuất theo quy định.

- Trên cơ sở báo cáo, rà soát, đề xuất của UBND thị xã An Khê, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận QSD đất đã cấp cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê.

2. Cử tri huyện Đức Cơ kiến nghị:

* Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, hướng dẫn địa phương trong việc giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân trên địa bàn huyện Đức Cơ trồng rừng đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng hoặc người dân đã chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp thuộc quản lý của UBND xã để người dân yên tâm đầu tư canh tác lâm nghiệp bền vững. Hiện nay, các hộ dân có nhu cầu trồng rừng và các hộ dân đã được Nhà nước hỗ trợ cây giống trồng rừng, nhưng chưa được giao đất hoặc cho thuê đất lâm nghiệp nên chưa an tâm sản xuất lâm nghiệp để nâng cao độ che phủ rừng và phát triển kinh tế.

Kết quả giải quyết:

UBND tỉnh ghi nhận nội dung này và sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, đơn vị có liên quan thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.

Trung tâm huyện Đức Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

* Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, nghiên cứu và lập các dự án đầu tư trồng rừng đối với diện tích đất rừng khộp chưa có rừng, quan tâm hướng dẫn trồng rừng và định hướng sử dụng các giống cây lâm nghiệp phù hợp trên diện tích đất rừng để Nhân dân địa phương ứng dụng hiệu quả, hạn chế việc trồng các loại giống cây trồng không phù hợp, kém phát triển nhằm làm giảm thiệt hại cho ngân sách nhà nước và kinh phí đầu tư của Nhân dân.

Kết quả giải quyết:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều chủ đầu tư đã và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Các dự án kêu gọi đầu tư được UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

Các loài cây trồng rừng được quy định tại Thông tư số 22/2021/TT- BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp gồm các loài cây như sau: Bạch đàn camal, Bạch đàn lai, Bạch đàn urô, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Keo lai, Keo lưỡi liềm, Mỡ, Bồ đề, Sa mộc, Sao đen, Dầu rái, Thông mã vĩ, Thông ba lá, Thông nhựa, Thông caribê, Lát hoa, Lim xanh, Giổi xanh, Vối thuốc, Bời lời đỏ, Trôm, Quế, Hồi, Mắc ca, Sơn tra, Trám trắng, Trám đen, Tràm lá dài, Tràm cừ, Đước đôi, Bần chua.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 717/SNNPTNT-CCKL ngày 18/3/2021 về việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp và thực hiện kế hoạch trồng rừng và Văn bản số 3827/SNNPTNT-CCKL ngày 15/10/2021 về xử lý một số vướng mắc trong quá trình triển khai công tác trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh, theo đó đề nghị các địa phương, đơn vị lựa chọn loài cây, giống cây trồng phù hợp với từng khu vực sinh thái và loại rừng, cụ thể: Trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, có giá trị kinh tế, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt với một số khu vực có lập địa khắc nghiệt như Hương, Trắc, Căm xe ...; tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ quản lý và phục hồi rừng khộp địa bàn tỉnh Gia Lai theo tiếp cận cảnh quan ” do Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đề xuất (Công văn số 1357/UBND-KGVX ngày 08/6/2023). Ngày 13/6/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông báo số 1989/TB-BKHCN Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, các đề xuất nhiệm vụ cấp quốc gia đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất về chủ trương và giao cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ xem xét, hướng dẫn hỗ trợ theo quy định (trong đó có nhiệm vụ này).

3. Cử tri huyện Chư Sê kiến nghị:

Ngày 08/12/2023, HĐND tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 72/2023/NQ- HĐND “Quy định mức thù lao hằng tháng đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách đứng đầu hội, mức khoán kinh phí hỗ trợ để hội chi trả thù lao hằng tháng đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách còn lại (đã nghỉ hưu) tại các hội có tính chất đặc thù được nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Qua triển khai thực hiện, từ ngày 01/01/2024 đã bộc lộ một số điểm không phù hợp với tình hình thực tế ở nhiều tổ chức hội và nhiều địa phương trong tỉnh cụ thể như sau:

Theo Nghị quyết số 72/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh Gia Lai chỉ áp dụng cho đối tượng là người nghỉ hưu. Trên thực tế hội ở cấp huyện và chủ yếu là cấp xã, phường, thị trấn, người giữ chức danh Chủ tịch hội là người nghỉ hưu không nhiều, phần lớn là các đồng chí đã có nhiều năm công tác, cống hiến cho phong trào địa phương, có đạo đức phẩm chất tốt, có năng lực trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác nhưng do thiếu tiêu chuẩn bằng cấp nên địa phương bố trí các chức danh chủ tịch hội, cùng với các đồng chí này còn nhiều đồng chí hiện đang là công chức, viên chức nhưng kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch hội theo chủ trương của tỉnh, huyện về kiêm nhiệm các chức danh.

Hiện nay, chưa có một văn bản nào của Trung ương cũng như tỉnh, huyện, quy định hoặc hướng dẫn việc chi trả thù lao cho các đồng chí thuộc nhóm đối tượng này, trên địa bàn địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả, dẫn đến các đồng chí này hiện nay không được chi trả tiền thù lao công tác hội, mặc dù vẫn thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ công tác hội cũng như mọi nhiệm vụ khác được giao.

Vì vậy, để đảm bảo chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi được bầu đảm nhiệm chức danh Chủ tịch hội, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, sớm có văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện mức thù lao đối với người không phải là người nghỉ hưu được bầu đảm nhiệm chức danh chủ tịch hội ở xã, phường, thị trấn.

Kết quả giải quyết:

Ngày 04/11/2024, UBND tỉnh có Tờ trình số 2589/TTr-UBND trình Thường trực HĐND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 72/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh. Ngày 13/11/2024, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo số 246/TB-HĐND thống nhất chấp thuận để UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2024 xem xét ban hành.

4. Cử tri huyện Chư Pưh kiến nghị:

* Việc thu hồi diện tích đất của Công ty Cà phê Việt Đức để xây dựng sân vận động và khu thể thao xã hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Thường trực Đảng ủy, lãnh đạo UBND xã đã trực tiếp làm việc với công ty Cà phê Việt Đức và Nông trường Cà phê la Ko ba lần, UBND huyện cũng đã làm việc với Tổng công ty Cà phê Việt Nam nhưng chưa có kết quả.

Vì theo Thông báo số 64/VP-TCT 06/02/2024 của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam về kết luận của Phụ trách Hội thành viên tại cuộc họp giao ban Tổng Công ty tháng 02/2024, tại điểm (5.3) có yêu cầu “Chủ trương của Tổng Công ty là tiếp tục sử dụng và quản lý các diện tích đất đã được Nhà nước giao/cho thuê theo phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không thực hiện trao trả/bàn giao cho địa phương, kể cả đất đang sử dụng phục vụ thể thao, hồ đập...

Sau khi hoàn thành việc số hóa vùng trồng sẽ xây dựng phương án sử dụng đất, báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt sau đó mới thực hiện phương án xử lý”.

Nội dung này đã được HĐND tỉnh Gia Lai thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 302/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất thực hiện trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai và điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 75/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 và Nghị quyết số 225/NQ-HĐND ngày 07/4/2023 của HĐND tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm trực tiếp làm việc với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam để tháo gỡ khó khăn cho huyện và xã.

Kết quả giải quyết:

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Chư Pưh đang tiếp tục làm việc với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam để thống nhất việc triển khai thu hồi đất theo vị trí quy hoạch đã khảo sát với Công ty cà phê Việt Đức, hoàn thành trước ngày 20/11/2024.

* Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai được UBND tỉnh giao đất trồng cao su với diện tích hơn 1.800 ha, hiện nay có hơn 300 ha trồng cao su, diện tích đất còn lại là đất trống. Với diện tích đất trống này, nhiều năm nay Công ty Đức Long đã cho các hộ dân ở huyện Chư Prông thuê đất để trồng cây ngắn ngày, nên dẫn đến tình trạng các hộ dân làng Kuái, xã la Blứ tranh chấp đất với Công ty. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý việc sử dụng đất không đúng mục đích của công ty, để ổn định tình hình an ninh trật tự tại cơ sở và chỉ đạo các sở ngành tham mưu thu hồi lại diện tích đất trống giao cho địa phương quản lý hoặc cho chuyển đổi để công ty có phương án sử dụng trồng các loại cây khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.

Kết quả giải quyết:

Để giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị của cử tri huyện Chư Pưh, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Chư Pưh triển khai các nhiệm vụ cụ thể như sau:

- UBND huyện Chư Pưh có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai rà soát lại diện tích đã cho đơn vị thuê đang sử dụng. Nếu có tình trạng đơn vị tự ý cho các hộ dân thuê canh tác không đúng mục đích và tranh chấp với các hộ dân làng Kuái, xã la Blứ thì lập hồ sơ, báo cáo đề nghị UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) thu hồi đất đơn vị sử dụng không đúng mục đích giao về cho địa phương quản lý.

- Trên cơ sở kết quả rà soát, báo cáo của UBND huyện Chư Pưh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định.

- Trên cơ sở kết quả rà soát nhu cầu sử dụng đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, kết quả rà soát vị trí đề nghị thu hồi đất, UBND huyện Chư Pưh thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đang sử dụng đất hoặc thực hiện giao đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định.

Về các nội dung đang chỉ đạo hoặc đang cho kiểm tra để có hướng giải quyết, xử lý; UBND tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Có thể bạn quan tâm