Tham dự buổi lễ có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc-Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên và đại diện lãnh đạo các phòng, ban của nhà trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Mộc Trà |
Tại lễ ký kết, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc đã giới thiệu khái quát về quy mô, kết quả đào tạo cũng như định hướng phát triển của Trường Đại học Tây Nguyên trong thời gian đến. Theo đó, trường được thành lập theo Quyết định số 298/CP ngày 11-11-1977 của Hội đồng Chính phủ với nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn vùng Tây Nguyên. Trường hiện có 10 phòng, ban chức năng và các đơn vị hỗ trợ đào tạo, thực hành. Tổng số cán bộ, viên chức (chưa tính các đơn vị trực thuộc) là 640 người; quy mô đào tạo khoảng 9.000 học sinh, sinh viên. Thời gian qua, nhà trường cũng đã tăng cường mở rộng hợp tác với các đơn vị, địa phương trong cũng như ngoài nước trên một số lĩnh vực và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cảm ơn và bày tỏ sự vui mừng khi được tỉnh Gia Lai quan tâm, thống nhất đề nghị hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa tỉnh và nhà trường; đồng thời, tin tưởng rằng sau buổi ký kết này, việc hợp tác giữa tỉnh và nhà trường sẽ đạt được nhiều thành tựu.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Mộc Trà |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đánh giá cao hiệu quả đào tạo của Trường Đại học Tây Nguyên trong những năm qua, nhất là khả năng đáp ứng ngày càng nhiều nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao cho các ngành, các cấp ở các địa phương khu vực Tây Nguyên. Với thế mạnh của nhà trường và những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề xuất một số nội dung, lĩnh vực mà hai bên cần tập trung ký kết hợp tác. Trong đó, chú trọng thực hiện tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Gia Lai về Y học, Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Kinh tế, Nông-Lâm nghiệp; tập huấn cho cán bộ là người dân tộc thiểu số về các kiến thức, kỹ năng phát triển, bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa mang tính truyền thống đặc thù của địa phương; phối hợp tổ chức các chương trình học tập và nghiên cứu khoa học và tạo điều kiện thuận lợi để các giảng viên, nhà khoa học, doanh nghiệp của tỉnh được thực hiện giảng dạy, trao đổi chuyên môn tại trường.
Cùng với đó, đề xuất và thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; chú trọng đến từng lĩnh vực ưu tiên có liên quan đến yếu tố đặc thù của tỉnh Gia Lai thuộc các nhóm chuyên ngành: Nông-Lâm nghiệp, Y học, Kinh tế… Xây dựng chương trình phối hợp, điều động nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn hỗ trợ địa phương khi có bệnh dịch xảy ra trên các loại cây trồng và vật nuôi; xây dựng chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm nông sản đảm bảo tiêu chuẩn hướng hữu cơ từ trang trại đến bàn ăn.
Hợp tác chặt chẽ trong quá trình chuyển giao và nhân rộng công nghệ thuộc kết quả cùng nghiên cứu hoặc kết quả được hai bên công nhận. Cử các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh phối hợp với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cá nhân của tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp về kiến thức hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và phát triển các sản phẩm địa phương.
Ngoài ra, hai bên cùng tham gia chia sẻ, trao đổi các thông tin khoa học và công nghệ bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua các hội nghị khoa học, hội nghị vùng, hội thảo trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sự kiện này sẽ khởi đầu cho quá trình hợp tác của hai bên trong thời gian tới với quan điểm hợp tác tự nguyện, bình đẳng, không vì mục đích lợi nhuận, góp phần phát triển bền vững địa phương, phù hợp với các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (ngồi bên trái) và Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Thanh Trúc đại diện hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Mộc Trà |
Đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban của Trường Đại học Tây Nguyên cũng đã trao đổi, làm rõ hơn các lĩnh vực hợp tác với mong muốn trên cơ sở thế mạnh của mỗi bên, UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Tây Nguyên sẽ cùng xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, phù hợp trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
Sau khi trao đổi thống nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Thanh Trúc đã đại diện hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác. Được biết, bản thỏa thuận có giá trị trong thời gian 5 năm kể từ ngày ký và là khung đại cương phổ quát cho chương trình hành động xuyên suốt hai bên. Các hoạt động chi tiết theo nhu cầu thực tế của các bên sẽ được thực hiện thông qua các chương trình hoặc hợp đồng cụ thể.