Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào dạy nghề tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn đưa phương pháp mới, hiện đại, sát với thực tế vào công tác đào tạo nghề, nhóm tác giả Nguyễn Văn Toàn và Ngô Thị Ánh Tuyết (giảng viên Khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai) đã nghiên cứu thành công mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” và được sinh viên, học viên đón nhận tích cực.
Mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” đạt giải nhất ở lĩnh vực điện-điện tử tại hội thi “Thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh năm 2019” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức. Hiện nay, bên cạnh việc đưa thiết bị vào giảng dạy cho sinh viên, học viên cuối khóa, nhóm tác giả đang gấp rút hoàn thiện mô hình này để tham dự hội thi “Thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia năm 2019” được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế vào tháng 9 tới. Trao đổi về những tiến bộ trong phương pháp giảng dạy bằng mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp”, anh Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Trên thực tế, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, quá trình tự động hóa và điều khiển lập trình tổng hợp được ứng dụng ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực như: phân loại sản phẩm, đèn giao thông, điều khiển mực nước… Mục tiêu của mô hình này là giúp sinh viên, học viên tiếp cận những kiến thức, cách làm sát với thực tế tại các nhà máy, công xưởng để trong quá trình thao tác các em không bị bỡ ngỡ, doanh nghiệp cũng không phải hướng dẫn lại các em cách vận hành những thiết bị hiện đại”.
 Anh Nguyễn Văn Toàn đang tiếp tục hoàn thiện mô hình để tham dự hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia. Ảnh: B.L
Anh Nguyễn Văn Toàn đang tiếp tục hoàn thiện mô hình để tham dự hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia. Ảnh: B.L
Nghiên cứu lĩnh vực tự động hóa trong điều khiển hệ thống đèn giao thông, băng chuyền phân loại và dán mác sản phẩm, điều khiển mực nước..., nhóm tác giả đã sử dụng giao diện người máy hoặc màn hình cảm ứng HMI để giám sát quá trình hoạt động của mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp”. Các hệ thống đều được giám sát từ xa thông qua đường truyền Internet. Đây là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất, giảm thiểu sức lao động của con người. Thông qua mô hình này, người học tiếp cận và thực hành bài học sát với thực tế, sẵn sàng vận hành các thiết bị hiện đại ngay sau khi ra trường. Em Bùi Minh Nguyên (học viên năm cuối Khoa Điện-Điện tử) nói: “Trước đây, chúng em chỉ được tìm hiểu các bảng điều khiển lập trình tổng hợp thông qua bài học lý thuyết nên rất khó nắm bắt. Từ khi mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” của thầy Toàn và cô Tuyết được đưa vào giảng dạy, chúng em tiếp thu và vận dụng thuận lợi, nhất là với những học viên cuối khóa. Đến nay, em đã sẵn sàng đầu quân cho các doanh nghiệp có ứng dụng các thiết bị hiện đại vào sản xuất mà không cần thêm khóa học việc tại doanh nghiệp”.
Với thiết kế nhỏ gọn, dễ bảo quản, mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” còn tiết kiệm chi phí đáng kể khi phát triển thêm nhiều chức năng trong dây chuyền sản xuất do được thiết kế theo từng mô đun riêng biệt. Thầy Huỳnh Ngọc Thuận-Trưởng khoa Điện-Điện tử-cho biết: “Trong năm học 2019-2020, chúng tôi sẽ đưa mô hình này vào giảng dạy cho cả hệ trung cấp và cao đẳng. Từ mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp”, những giờ thực hành sẽ trở nên sinh động vì nó không khác mấy so với hệ thống máy móc hiện đại mà các doanh nghiệp, phân xưởng đang sử dụng”.
Cũng theo thầy Thuận, mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” đã nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của học sinh, phụ huynh trong “Ngày hội tuyển sinh năm 2019” do Tỉnh Đoàn tổ chức hồi cuối tháng 3. Với việc ứng dụng thành công công nghệ 4.0 thay thế phương pháp dạy nghề truyền thống không còn phù hợp, trước mắt, Khoa Điện-Điện tử Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai sẽ đào tạo khoảng 300 lao động có tay nghề cao, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
 BẢO LAM

Có thể bạn quan tâm