Bà Trần Thị Ngọc Lan-Chủ cơ sở yến Lan Toàn (phường Đoàn Kết) là hộ tiên phong dẫn dụ chim yến về nuôi tại thị xã Ayun Pa cách đây 15 năm. Theo bà Lan, khâu quan trọng nhất trong kỹ thuật nuôi chim yến là làm nhà cho chim ở.
Hiện nay, toàn bộ 9 nhà nuôi chim yến tại thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê và tỉnh Đắk Lắk đều được bà Lan cải tạo, đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng phù hợp và xử lý môi trường bên trong bằng công nghệ vi sinh tổng hợp. Âm thanh dẫn dụ yến điều chỉnh ở mức phù hợp nhằm hạn chế ô nhiễm tiếng ồn. Nhờ đó, yến về làm tổ ngày một tăng, chất lượng tổ yến cải thiện rõ rệt. Năm 2021, sản phẩm yến sào của cơ sở đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
“Hiện mỗi tháng, cơ sở thu hoạch 40 kg tổ yến. Với giá bán 16-18 triệu đồng/kg yến thô và 26-28 triệu đồng/kg yến tinh chế, cơ sở có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân 200-300 ngàn đồng/ngày”-bà Lan cho hay.
Đầu tư xây dựng nhà nuôi và chế biến sản phẩm từ tổ yến vào năm 2014, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha (phường Cheo Reo) đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2023; 2 sản phẩm đang trình Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh xem xét, cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao.
Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất tại thị xã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2024.
Có được kết quả này là nhờ doanh nghiệp chú trọng đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình chế biến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, khẳng định vị thế trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Nguyễn Trọng Nhuế-Giám đốc Công ty-cho biết: Năm 2014, trong quá trình xây dựng phòng trưng bày gỗ và đồ thủ công mỹ nghệ, ông tình cờ thấy một cặp chim yến bay lượn và tìm nơi trú ẩn. Thời điểm đó, các tỉnh Nam Bộ đã rất phát triển nghề nuôi chim yến nhưng ở Gia Lai, số lượng nhà yến chỉ mới đếm trên đầu ngón tay.
Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi yến và quyết định xây nhà yến đầu tiên. Năm 2020, ông thành lập công ty chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm chế biến từ tổ yến thô nguyên chất nhằm xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường.
Năm 2024, từ nguồn vốn khuyến công địa phương, Công ty được hỗ trợ dây chuyền sản xuất yến hũ tiệt trùng xuất xứ Việt Nam, mới 100% gồm: nồi nấu nước đường; nồi nấu yến, nồi nấu tạo sợi (đều có công suất 50 lít/mẻ); máy chiết rót tự động 2 vòi; nồi hấp tiệt trùng 100 lít; xe chứa khay sản phẩm. Tổng vốn đầu tư toàn bộ hệ thống là 365,5 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 180 triệu đồng, Công ty góp 185,5 triệu đồng.
Việc ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất yến hũ đã giúp Công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện hiệu suất lao động, giảm chi phí thuê nhân công; từ đó giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Ông Nhuế phân tích: “Trước đây, để sản xuất 1.000 hũ yến/ngày, Công ty cần 4-5 người làm. Còn với dây chuyền sản xuất tự động, 2 nhân công đã sản xuất ra 3.000 hũ/ngày. Không chỉ hiệu suất lao động tăng lên mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao”.
Các sản phẩm yến của Công ty cũng đang hướng đến đa dạng khách hàng. Ngoài yến thô, yến hũ tiệt trùng, Công ty vừa cho ra mắt sản phẩm rượu yến đông trùng. Trên bao bì mỗi sản phẩm đều được gắn mã QR để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa-cho hay: Thị xã có 166 nhà nuôi chim yến. Với mục tiêu nâng cao chất lượng các sản phẩm yến sào, bên cạnh chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, năm 2024, Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) triển khai đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” tại Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha. Không chỉ giảm chi phí thuê nhân công, việc ứng dụng công nghệ còn giúp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Hiện trong số 14 sản phẩm OCOP của thị xã có 9 sản phẩm yến sào. Đây là tiền đề để các cơ sở sản xuất yến sào tại thị xã tiếp tục đầu tư, tiến tới tự động hóa hoàn toàn quy trình chế biến nhằm đưa sản phẩm yến sào Ayun Pa vươn xa trên thị trường.