Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Ứng dụng công nghệ phòng, chống thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Qua thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến giữa tháng 9/2023, nước ta chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai, trong đó có ba cơn bão, một áp thấp nhiệt đới, 93 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, 201 trận dông lốc, sét, mưa đá, 338 vụ sạt lở bờ sông và nắng nóng, hạn hán..., ước thiệt hại kinh tế hơn 5.300 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, hệ thống đê toàn quốc có khoảng 55.138 km, trong đó có 2.761 km đê cấp ba đến đặc biệt tập trung ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, qua đánh giá hiện trạng đê từ cấp ba đến đặc biệt năm 2023, có 288 trọng điểm, vị trí xung yếu, hơn 274 km đê thiếu cao trình thiết kế, 371 km đê mặt cắt nhỏ hẹp, hơn 185 km đê thường xuyên bị đùn sủi, thẩm lậu, 233 km kè xuống cấp, hư hỏng còn diễn biến sạt lở.

Ðể hạn chế thiệt hại, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, thời gian qua các cơ quan chức năng đã và đang ứng dụng khoa học-công nghệ vào lĩnh vực này. Trong đó có việc sử dụng flycam thu thập cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ hệ thống đê, theo dõi các vùng hành lang bảo vệ đê, bãi, lòng sông; các vị trí sạt lở bờ sông, mái đê; các trọng điểm xung yếu đê, sự cố đê do lũ, bão.

Hệ thống cơ sở dữ liệu WebGIS về đê điều ở 21 địa phương có đê từ cấp ba trở lên, cung cấp thông tin về các tuyến đê, công trình kè, cống, kho bãi vật tư, nhất là các trọng điểm xung yếu. Phần mềm theo dõi mực nước theo thời gian thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tuyến đê, các trạm khí tượng, mực nước. Sử dụng công nghệ radar đất, đa cực phát hiện ẩn họa, khe nứt và vùng thấm trong thân đê; lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với các tỷ lệ ngày càng chi tiết…

Mặc dù vậy, theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, công tác dự báo cường độ, đường đi của bão hạn chế, dự báo mưa chưa chính xác; thiếu các trạm khí tượng thủy văn chuyên dụng tại các vị trí ven biển; ứng dụng công nghệ đánh giá thiệt hại do bão gây ra nhiều hạn chế. Mặt khác, chưa có cơ chế, chính sách áp dụng khoa học-công nghệ mới trong xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, biển; chưa có hệ thống theo dõi, giám sát sạt lở bờ sông, biển tại các địa điểm thường xuyên xảy ra sạt lở...

Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ vào quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi lại các hệ sinh thái rừng ngập mặn, đất ngập nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh; sử dụng các vật liệu mới thân thiện với môi trường; tiếp tục xây dựng, rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam lĩnh vực đê điều và phòng, chống thiên tai; nâng cao chất lượng, độ chính xác của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng triển khai các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất cho các lưu vực ở miền núi, nhất là khu vực miền núi phía bắc.

Có thể bạn quan tâm