Khoa học - Công nghệ

Công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) tổ chức lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”.

Dự lễ công bố có ông Lê Huy Anh-Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN); đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Gia Lai; lãnh đạo Sở KH-CN các tỉnh Bình Định, Lâm Đồng, Đak Lak, Kon Tum, Ninh Thuận cùng đại diện các doanh nghiệp, các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

congbo-2077.jpg
Ông Lê Huy Anh-Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) phát biểu tại lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”. Ảnh: Trần Dung

Huyện Kbang là địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh. Trong đó có khoảng 258,6 ha mắc ca đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính được gần 500 tấn hạt/năm. Giá tiêu thụ hạt tươi khoảng 80 ngàn đồng/kg; giá hạt mắc ca sau khi chế biến dao động từ 220 ngàn-260 ngàn đồng/kg.

Đặc biệt, cây mắc ca được bà con trồng xen trong vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Thu nhập từ cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê (khoảng 124 cây/ha) bình quân từ 50-60 triệu đồng/ha.

Một số doanh nghiệp đã có sản phẩm mắc ca đạt OCOP 3 sao và được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Để đảm bảo phát triển cây mắc ca bền vững, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Sản phẩm heo Broong được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Đức Cơ. Năm 2020, huyện đã triển khai Dự án bảo tồn và phát triển giống heo Brong Đức Cơ theo quy trình VietGAP với việc xây dựng 30 mô hình có số lượng gần 500 con tại một số xã trên địa bàn. Đến năm 2022, toàn huyện có khoảng 700 hộ nuôi với quy mô đàn lên khoảng 3.800 con.

Giá thịt heo hơi trung bình trong khoảng 100-120 ngàn đồng/kg, đợt cao điểm lên 150 ngàn đồng/kg. Sản phẩm thịt heo một nắng chế biến từ giống heo Broong đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Hai nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ góp phần gắn kết hoạt động sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm. Từ đó từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm đặc thù của địa phương cũng như quảng bá danh tiếng của hai sản phẩm này đến với khách hàng gần xa.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong cả nước mà còn góp phần giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ các quyền lợi cơ bản khi sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ thông qua hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với sản phẩm đặc sản; tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực.

congbo.jpg
Đại diện lãnh đạo UBND hai huyện Kbang và Đức Cơ đón nhận văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”. Ảnh: Trần Dung

Tại lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Huy Anh cho rằng: UBND 2 huyện Kbang và Đức Cơ sẽ trở thành tổ chức đại diện cho toàn thể người dân, cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mắc ca và heo Broong. Hai nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là sự ghi nhận bảo hộ từ phía nhà nước đối với tài sản trí tuệ của tỉnh; tạo tiền đề để tỉnh, huyện triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con đồng bào có hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Đây mới chỉ là bước khởi đầu, là “giấy khai sinh” cho các nhãn hiệu cộng đồng này. Để nhãn hiệu chứng nhận có thể phát triển bền vững, khai thác được tối đa giá trị thì cần có sự chung tay đồng lòng của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn của địa phương và quan trọng hơn nữa là sự tham gia tích cực, chủ động của chính bà con đồng bào, các nhà sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Hy vọng 2 sản phẩm này ngày càng nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu, phát huy được những thế mạnh tiềm năng của loại sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh, bảo tồn và phát huy được danh tiếng vốn có, góp phần vào việc xây dựng hệ thống sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai.

Có thể bạn quan tâm