Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng công nghệ số để bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số được xem là biện pháp hữu hiệu và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên trên 1,55 triệu ha, trong đó, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp gần 714,6 ngàn ha, chiếm 46,07%. Diện tích đất có rừng gần 650 ngàn ha gồm: rừng tự nhiên gần 478,7 ngàn ha; rừng trồng hơn 156,4 ngàn ha; rừng trồng chưa thành rừng gần 14,9 ngàn ha.

ung-dung-cong-nghe-so-de-bao-ve-rung-bg.jpg
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi, cập nhật diễn biến rừng qua các phần mềm được cài đặt trên máy tính. Ảnh: N.Q

Theo ông Trương Thanh Hà-quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả ấn tượng. Bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng được ngành đặc biệt quan tâm thực hiện và đóng góp đáng kể trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn.

“Được xem là “chìa khóa”, trợ thủ đắc lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR là phần mềm “Phát hiện mất rừng, cháy rừng trên địa bàn Gia Lai từ ảnh vệ tinh theo thời gian thực hiện” (Gia Lai FFW) và “Phát hiện sớm cháy rừng” (Hotspot GLA). Gia Lai FFW cho phép phát hiện các vị trí mất rừng và trích xuất thông tin đến từng lô, khoảnh theo bản đồ diễn biến rừng hàng năm; đồng thời, giúp phát hiện các đám cháy từ ảnh vệ tinh MODIS và tự động xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ cháy dựa vào điều kiện thời tiết tại các trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh.

Còn đối với Hotspot GLA thì giúp kiểm tra, phát hiện sớm các điểm cháy rừng qua vệ tinh giám sát 24/24 giờ. Khi phát hiện có đám cháy, hình ảnh từ vệ tinh giám sát sẽ chuyển về máy chủ (đặt tại trụ sở Chi cục Kiểm lâm), thông báo trực tiếp đến điện thoại thông minh đã cài app “Hotspot GLA” hoặc Email để lãnh đạo địa phương, ngành Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng kiểm tra, xác minh, kịp thời dập tắt điểm cháy rừng, tránh lây lan trên diện rộng.

Bên cạnh đó, còn có thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại website kiemlam.org.vn cũng góp phần quan trọng trong việc theo dõi, phát hiện sớm điểm cháy rừng”-quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin.

Ông Đinh Ích Hiệp-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai-cho hay: Những năm gần đây, nhờ ứng dụng phần mềm hệ thống phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng Hotspot GLA và Gia Lai FFW, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn có nhiều chuyển biến.

Các phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh nên rất dễ theo dõi và kiểm soát, kịp thời phát hiện các điểm mất rừng, suy thoái rừng cũng như phát hiện sớm đám cháy rừng. Từ đó, kịp thời triển khai lực lượng xử lý nghiêm các vụ phá rừng, xâm chiếm rừng cũng như dập tắt các đám cháy từ sớm, tránh bị cháy lan trên diện rộng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa: “Nhờ ứng dụng công nghệ số thông qua các phần mềm Hotspot GLA và Gia Lai FFW mà trong mùa khô 2023-2024 và những tháng đầu mùa khô năm nay, trên địa bàn huyện không xuất hiện vụ cháy rừng lớn.

Ngoài ra, phần mềm Gia Lai FFW cũng giúp phát hiện sớm các vụ xâm hại rừng và đã triển khai lực lượng ngăn chặn kịp thời nên số vụ vi phạm và diện tích rừng bị xâm hại trong năm 2024 đều giảm so với những năm trước”.

Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin thêm: Năm 2024, tỉnh đưa vào sử dụng “Bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn Gia Lai” để xác định khu vực có nguy cơ cao bằng cách thu thập các yếu tố khí tượng thủy văn, số liệu về tình hình cháy rừng để tính toán chỉ số khí tượng tổng hợp và xác định cấp dự báo cháy rừng từ cấp I đến cấp V nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả công tác PCCCR.

2qt.jpg
Các phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh giúp lực lượng kiểm lâm tỉnh xác định nhanh các điểm cháy và phá rừng để kip thời ngăn chặn, dập tắt. Ảnh: N.Q

Nhờ đó, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng và người dân biết cấp dự báo cháy rừng nơi mình đang sản xuất để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế cháy rừng xảy ra; đồng thời, thực hiện các biện pháp an toàn PCCCR vào những ngày cao điểm mùa khô, có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên.

Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị công nghệ mới như flycam, camera giám sát… vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR cũng đã phát huy hiệu quả trên thực tế.

“Nhờ việc ứng dụng công nghệ số, những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến rõ nét. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua từng năm. Năm 2023, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, bắt giữ 231 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 98 vụ so với năm 2022; năm 2024 số vụ vi phạm là 221 vụ, giảm 10 vụ so với năm 2023. Đây là tiền đề để Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng số đã được Nhà nước đầu tư phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đồng thời, tiếp tục cập nhật, tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức ngành Kiểm lâm nhằm áp dụng có hiệu quả các ứng dụng đã triển khai.

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư chuyển đổi số và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện chuyển đổi số các dự án liên ngành, liên vùng đảm bảo đồng bộ, kết nối, liên thông”-ông Hà khẳng định.

Có thể bạn quan tâm