Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp đòn bẩy phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến. Tại Gia Lai, việc kết nối thị trường để tiêu thụ nông sản thông qua nền tảng số giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) bước đầu mang lại thành công, tạo đòn bẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

 Người dân làng O Đất (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê theo tiểu chuẩn 4C. Ảnh: Nguyễn Hồng
Người dân làng O Đất (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê theo tiểu chuẩn 4C. Ảnh: Nguyễn Hồng

Để thích ứng an toàn trong tình hình mới, một số doanh nghiệp và HTX trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quảng bá, tiếp thị, bán nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử. Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-thông tin: Năm 2019, UBND huyện đã xúc tiến kết nối với các doanh nghiệp, HTX của TP. Đà Nẵng tiêu thụ nông sản cho người dân. Năm 2021, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ các mặt hàng trái cây của địa phương. Nhằm tháo gỡ khó khăn, UBND huyện thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Đặc biệt, huyện kết nối với Công ty cổ phần hệ sinh thái AFDEX-đơn vị đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT) triển khai các giải pháp điều phối cung-cầu các mặt hàng nông sản của địa phương.

Theo ông Trần Văn Công-Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ an toàn Faos (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh), năm 2019, thông qua các đợt tham quan, kết nối tiêu thụ nông sản giữa huyện Chư Pưh với các doanh nghiệp, HTX đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm tiêu thụ hàng hóa thông qua sàn thương mại điện tử. Từ đó, HTX đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng nhật ký điện tử để quản lý quy trình canh tác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, khu vực đóng gói… nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Các sản phẩm đặc trưng của HTX như: bơ booth, khoai lang, cà phê… đã được kết nối, cung cấp một lượng lớn cho thị trường miền Bắc. Chỉ tính từ tháng 8-2021 đến nay, HTX đã cung cấp hơn 50 tấn bơ booth, 200 tấn cà phê tươi, 100 tấn khoai lang và 1.000 tấn bắp sinh khối… cho thị trường này.

“Thời gian tới, HTX tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp để liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu theo quy trình chuẩn từ lúc trồng, chăm sóc, kiểm soát vật tư đầu vào, tập huấn kỹ thuật thu hoạch, sơ chế thông qua nhật ký điện tử để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục xúc tiến, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương lên các sàn thương mại điện tử, góp phần đưa nông sản Gia Lai vươn ra thị trường trong nước và quốc tế”-ông Công nói.

Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất cũng như tính cạnh tranh của các sản phẩm nông sản Gia Lai trên thị trường. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số được xem là giải pháp tối ưu, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là giải pháp được các doanh nghiệp triển khai hiện nay. Ảnh: Nguyễn Hồng
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là giải pháp được các doanh nghiệp triển khai hiện nay. Ảnh: Nguyễn Hồng


Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-chia sẻ: Hiện nay, việc chuyển đổi số gặp không ít khó khăn do nông hộ và các HTX chưa đầu tư trang-thiết bị cũng như công cụ cần thiết để đồng bộ hóa. Vì vậy, để nông nghiệp phát triển bền vững thì Nhà nước và doanh nghiệp cùng chung tay vào cuộc thì chuyển đổi số mới thành công. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thì cho hay: Trong năm 2022, huyện tiếp tục kết nối với Công ty cổ phần hệ sinh thái AFDEX để liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng 2 đề án phát triển cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để làm tiền đề kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết. Đây là bước tạo đà giúp nông dân và các HTX đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Sở đã xây dựng dự thảo kế hoạch chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung một số giải pháp như: xây dựng bản đồ số hóa quản lý trồng trọt, chăn nuôi và dịch bệnh thủy sản, động vật. Cùng với đó, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX tiếp cận công nghệ IoT, dữ liệu lớn (Big data), công nghệ chuỗi khối, các thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính tự động hóa, công nghệ ươm giống trong phòng thí nghiệm, công nghệ GIS thông minh quản lý dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu xây dựng nông thôn mới.

 

 NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm