Kinh tế

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, phương thức chuyển giao khoa học công nghệ đến nông dân được áp dụng phổ biến. Đội ngũ làm khoa học đã xây dựng những mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ để nông dân học hỏi làm theo.
Trong giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh có 73 đề án nghiên cứu khoa học với kinh phí sự nghiệp khoảng 7 tỷ đồng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Hoạt động nghiên cứu chủ yếu nhằm triển khai xây dựng các đề án phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Trình diễn mô hình lúa trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Anh: A.K
Trình diễn mô hình lúa trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Ảnh: A.K
Trước đòi hỏi về phát triển kinh tế của thời kỳ đổi mới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về các loại giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, các mô hình nhân giống lúa chất lượng cao thực hiện liên tục trong những năm qua đã góp phần cung cấp giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà. Liên hiệp tiến hành khảo nghiệm các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa sản phẩm trong nông nghiệp. Nhiều đề tài, dự án đã được triển khai như dự án mở rộng mô hình trồng hoa chất lượng cao tại xã An Phú (TP. Pleiku), thị xã An Khê, chương trình lai cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò thịt, nạc hóa đàn heo... Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, tiêu, giảm dần diện tích lúa cạn và các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp. Phát triển các loại hoa màu chất lượng cao với quy trình sản xuất an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.


Công tác nghiên cứu lai tạo những bộ giống mới có năng suất, chất lượng phục vụ trong sản xuất nông-lâm nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc lai tạo các bộ giống lúa cho năng suất đưa vào sản xuất đại trà đã góp phần đẩy lùi nạn đói giáp hạt, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Những bộ giống mới này đã thay thế dần các giống cũ năng suất thấp, chất lượng kém. Đây là con đường ngắn nhất đưa kết quả từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng. Ông Nguyễn Đông, ở xã An Phú (TP. Pleiku) cho biết: Trước đây, gia đình chỉ sử dụng giống lúa địa phương năng suất thấp. Vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng các mô hình IPM, ICM đưa giống lúa mới vào sản xuất, năng suất lúa tăng gần gấp đôi, ít sâu bệnh, chi phí thấp nên thu nhập khá lên trông thấy.

Thời gian đến, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai hướng trọng tâm vào việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Cụ thể là ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa sau chế biến; đầu tư khoa học công nghệ có trọng điểm vào những vùng sản xuất hàng hóa nông sản lớn, chăn nuôi tập trung; hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu ổn định cho chế biến và xuất khẩu.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm