Sống trẻ - Sống đẹp

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

Ứng xử tử tế với môi trường sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thu gom rác thải, trồng cây xanh… là những hoạt động được tuổi trẻ tỉnh nhà thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua. Sự chung sức của các bạn trẻ đã góp phần tạo cảm hứng và lan tỏa đến cộng đồng thói quen sống “tử tế” với môi trường.

Cùng hành động để thay đổi

Sáng chủ nhật, thay vì nghỉ ngơi, thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng thì các tình nguyện viên của Dự án “Gia Lai trong trái tim tôi” cùng đoàn viên thuộc Thành Đoàn Pleiku và Đoàn xã Nghĩa Hưng lại triển khai hoạt động thu gom rác tại đập tràn xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, các bạn trẻ thu gom khoảng 50 kg rác thải các loại.

Chị Kim Phùng Thủy-người sáng lập dự án-chia sẻ: “Thông qua dự án, chúng tôi mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, hướng đến một Việt Nam xanh-sạch-đẹp. Hoạt động này còn thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ với môi trường”.

Các thành viên của Dự án “Hành trình xanh” nhặt rác dọc các tuyến đường ở TP. Pleiku. Ảnh: Phan Lài

Các thành viên của Dự án “Hành trình xanh” nhặt rác dọc các tuyến đường ở TP. Pleiku. Ảnh: Phan Lài

Dự án “Gia Lai trong tim tôi” được triển khai từ ngày 17-3 vừa qua với 3 hoạt động: truyền thông về du lịch, hoạt động cộng đồng, một góc cà phê Gia Lai. Trong đó, “Rong ruổi không rác rến” là hoạt động vì cộng đồng được triển khai 2 đợt. Trong tháng 3-2023, dự án tổ chức thu gom rác thải tại đập Hoàng Ân (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Để tạo điều kiện cho các thành viên đều có thể tham gia, dự án triển khai hoạt động vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Mục tiêu là thu gom rác mỗi tháng 1 lần ở các địa điểm du lịch của tỉnh.

Anh Đỗ Văn Tuấn-Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa Hưng-chia sẻ: Đập tràn Nghĩa Hưng thu hút nhiều người đến cắm trại, tham quan. Một số người xả rác bừa bãi khiến khu vực này khá ô nhiễm. Thu gom rác làm cho môi trường nơi đây sạch sẽ, trong lành là việc làm thường xuyên của tuổi trẻ.

Với phương châm “Thêm một người nhặt rác, bớt đi một người xả rác”, “Trả lại vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên”, ngoài các tình nguyện viên, dự án còn vận động người dân cùng tham gia dọn dẹp; tuyên truyền phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định. “Trong quá trình thu gom, các tình nguyện viên nhận thấy các điểm du lịch này không có thùng rác nên rác vứt bừa bãi. Chúng tôi đề xuất với chính quyền địa phương quan tâm bố trí thùng rác ở những điểm du lịch này”-chị Thủy chia sẻ.

Mới đây, Dự án “Hành trình xanh” cũng tiến hành tuyên truyền, thu gom rác hai bên quốc lộ 14-đoạn gần ngã ba La Sơn, phường Chi Lăng, TP. Pleiku. Kết quả, 20 bao tải rác đã được các tình nguyện viên thu gom sau một buổi ra quân. “Hãy xấu hổ vì rác trên đường”, “Tất cả vì môi trường xanh-sạch-đẹp”, “Người Việt Nam không xả rác”… là những thông điệp mà dự án muốn gửi gắm sau mỗi hoạt động thu gom rác.

Thành lập từ tháng 5-2022 đến nay, Dự án “Hành trình xanh” đã thu gom rác tại bãi dê ở thôn 1 (xã Tân Sơn), đồi thông đường Trường Sa (phường Ia Kring, TP. Pleiku), đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Dự án cũng phối hợp cùng một số đơn vị trồng hơn 50.000 cây xanh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Anh Lê Tuấn Thành-Chủ nhiệm Dự án “Hành trình xanh” cho biết: “Mỗi lần ra quân, các tình nguyện viên luôn hăng say làm việc, lấy hiệu quả làm đầu chứ không phải hô hào phong trào, thành tích”.

Chung tay tạo nên sức mạnh

Bên cạnh dự án ý nghĩa của các nhóm bạn trẻ, phong trào “Tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức Đoàn-Hội triển khai thường xuyên, rộng khắp. Các hoạt động “Ngày chủ nhật xanh”, chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Thách thức để thay đổi”… do các bạn trẻ thực hiện có sức lan tỏa rộng rãi.

Từ năm 2017 đến nay, tuổi trẻ tỉnh nhà đã tổ chức hơn 4.400 hoạt động “Ngày chủ nhật xanh”, ra quân vệ sinh môi trường, thu gom 183 m3 rác thải các loại; đào hơn 900 hố rác. Thành lập và duy trì hoạt động 176 đội thanh niên xung kích, tình nguyện bảo vệ môi trường, phòng-chống thiên tai. Từ năm 2022 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã trồng mới hơn 180.000 cây xanh.

Hoạt động thu gom rác thải của dự án Hành trình xanh nhận được sự hưởng ứng của các tình nguyện viên và người dân. Ảnh: Phan Lài

Hoạt động thu gom rác thải của dự án Hành trình xanh nhận được sự hưởng ứng của các tình nguyện viên và người dân. Ảnh: Phan Lài

Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều có tác động trực tiếp đến môi trường, nhưng tất cả chúng ta đều có thể bảo vệ môi trường từ những việc làm đơn giản nhất. Nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức Đoàn triển khai có hiệu quả nhằm thay đổi nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu nhi và người dân như: “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo vệ môi trường”. Hay những công trình “biến bãi rác thành vườn hoa” nhằm xóa các “điểm đen” về rác thải được thực hiện không chỉ trên địa bàn TP. Pleiku mà còn ở các huyện vùng sâu, vùng xa.

Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-cho hay: Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tuổi trẻ tỉnh nhà. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho đoàn viên, thanh thiếu nhi được triển khai thường xuyên, đa dạng, linh hoạt. Nhiều bạn tiên phong triển khai các dự án, mô hình hay kêu gọi cộng đồng hành xử tử tế với môi trường. Sự nỗ lực của các bạn đã có sự lan tỏa lớn tới cộng đồng. Bảo vệ môi trường sống được xác định là một “cuộc chiến” lâu dài. Vì thế, mọi người cần hành động để thay đổi, cùng nhau hành động vì môi trường, vì chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm