Du lịch

Hành trang lữ hành

UNWTO: Du lịch toàn cầu đang dần khởi động lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
53% điểm đến trên toàn thế giới hiện bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, song vẫn thận trọng trước diễn biến của đại dịch Covid-19. 

Bản đồ biểu hiện việc nới lỏng các lệnh hạn chế về Covid-19 tại các điểm đến trên thế giới tính đến ngày 1-9-2020 (Phần xanh lá cây: đã nới lỏng hạn chế; Phần xanh lam: vẫn hạn chế) (Nguồn: UNWTO)
Bản đồ biểu hiện việc nới lỏng các lệnh hạn chế về Covid-19 tại các điểm đến trên thế giới tính đến ngày 1-9-2020 (Phần xanh lá cây: đã nới lỏng hạn chế; Phần xanh lam: vẫn hạn chế) (Nguồn: UNWTO)
Thông tin này được cập nhật trong Báo cáo thứ 7 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) có tên gọi: “Các lệnh hạn chế đi lại liên quan tới Covid-19: Đánh giá toàn cầu về ngành du lịch”. Báo cáo vừa được công bố cuối tuần qua xác nhận, ngành du lịch đang có xu hướng khởi động lại dần. 
Bản báo cáo thực hiện thống kê, phân tích về tình hình nới lỏng các lệnh hạn chế cho đến ngày 1-9. Nghiên cứu được tiến hành bởi cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc (LHQ) về ngành du lịch nhận định rằng, hiện có tổng số 115 điểm đến (chiếm 53% tổng số điểm đến trên toàn thế giới) đã nới lỏng các lệnh hạn chế. Số lượng này tăng hơn 28 điểm đến so với khảo sát hôm 19-7.
Trong số 115 điểm đến nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại, có hai điểm đến dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh hạn chế, 113 điểm đến tiếp tục thực hiện một số biện pháp hạn chế nhất định.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nói rằng: “Sự điều hành phối hợp và tăng cường hợp tác giữa các chính phủ khiến ngành du lịch chững lại nhưng bắt đầu hồi phục ở nhiều nơi trên thế giới. Việc bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế về đi lại cũng mở ra cánh cửa cho lợi nhuận kinh tế và xã hội của ngành du lịch. Trong khi chúng ta vẫn phải duy trì sự cảnh giác và thận trọng, chúng tôi vẫn quan ngại về việc những điểm đến duy trì các lệnh hạn chế đi lại, đặc biệt ở những nơi du lịch là ngành xương sống và sự phát triển kinh tế-xã hội đang bị đe dọa”. 
Lần đầu tiên, báo cáo về các lệnh hạn chế đi lại liên quan tới Covid-19 được dựa trên cả các dữ liệu quan trọng về cơ sở y tế và vệ sinh được áp dụng tại các điểm đến. Báo cáo cũng phân tích tỷ lệ thông báo về các ca mắc Covid-19 mới. Những phân tích này cho phép UNWTO xác định các nhân tố tác động tới các quyết định nới lỏng các hạn chế đi lại tại các điểm đến. 
Theo đó, các điểm đến đã và đang nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại nhìn chung có các điều kiện vệ sinh và y tế ở mức độ cao và rất cao. Những nơi này cũng có xu hướng có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp. 
Trong số những nền kinh tế phát triển, 79% điểm đến du lịch đã nới lỏng các lệnh hạn chế. Trong những nền kinh tế mới nổi, chỉ có 47% các điểm đến nới lỏng hạn chế đi lại. 
64% số các điểm đến đã nới lỏng hạn chế có mức độ phụ thuộc cao hoặc trung bình vào hàng không như một loại hình vận tải cho du lịch quốc tế. 
Báo cáo cũng cho thấy, nhiều điểm đến trên khắp thế giới vô cùng thận trọng khi nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại vốn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. 93 điểm đến (chiếm 43% điểm đến toàn thế giới) tiếp tục đóng cửa hoàn toàn với du du lịch. Trong số này có ít nhất 27 điểm đến có thời gian đóng cửa ít nhất 30 tuần. 
Thêm vào đó, hơn một nửa trong số các điểm đến vẫn áp dụng lệnh hạn chế hoàn toàn có mức độ phụ thuộc cao vào hàng không với ít nhất 70% du khách tới bằng đường hàng không. Do đó, việc hạn chế đi lại hoàn toàn dẫn tới những tác động nghiêm trọng đến người dân và nền kinh tế. 
Báo cáo nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc đóng cửa biên giới hoàn toàn có thể được thay thế bằng các biện pháp ít nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa một phần, thực hiện xét nghiệm du khách và các biện pháp kiểm dịch liên quan. 
“Trong mọi trường hợp, việc mở cửa biên giới cũng phải được thực hiện theo cách từng bước và có trách nhiệm, kết hợp với chiến lược truyền thông rõ ràng cho người dân và du khách”, báo cáo khuyến cáo. 
N.T (Theo UNWTO/NDĐT)

Có thể bạn quan tâm