Du lịch

Hành trang lữ hành

UNWTO: Vẫn nhiều nguy cơ với đà phục hồi du lịch quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Du lịch quốc tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, với lượng khách đạt 57% mức trước đại dịch trong 7 tháng năm 2022. Song, lĩnh vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

UNWTO: Du lịch quốc tế đã phục hồi gần 60% mức trước đại dịch. (Ảnh: UNWTO)
UNWTO: Du lịch quốc tế đã phục hồi gần 60% mức trước đại dịch. (Ảnh: UNWTO)



Theo Phong vũ biểu Du lịch Thế giới do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố ngày 26/9, lượng khách du lịch quốc tế gần như tăng gấp ba lần trong 7 tháng năm nay, tăng 172% so với cùng kỳ năm 2021.

Đà phục hồi tích cực

UNWTO đánh giá, điều này có nghĩa là du lịch quốc tế đã phục hồi gần 60% mức trước đại dịch. Sự phục hồi ổn định phản ánh nhu cầu đi lại quốc tế bị dồn nén mạnh mẽ cũng như việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế đi lại cho đến nay. Tính đến ngày 19/9 có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ không có hạn chế liên quan đến Covid-19.

Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhận định: “Du lịch tiếp tục phục hồi ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số thách thức, từ địa chính trị đến kinh tế. Ngành này đang mang lại hy vọng và cơ hội cho mọi người ở khắp mọi nơi. Bây giờ cũng là lúc để suy nghĩ lại về du lịch, du lịch và lữ hành sẽ đi về đâu và sẽ tác động ra sao đến con người và hành tinh”.

Thống kê của UNWTO cho thấy, ước tính có khoảng 474 triệu khách du lịch đã đi du lịch quốc tế trong thời gian từ tháng 1-7/2022, so với 175 triệu trong cùng tháng năm 2021. Riêng trong tháng 6 và tháng 7, ước tính có khoảng 207 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn gấp đôi so với con số ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.

Lượng khách quốc tế tháng 6 và tháng 7 chiếm 44% tổng số lượt khách được ghi nhận trong 7 tháng năm 2022. Châu Âu đã đón 309 triệu lượt trong số này, chiếm 65% tổng lượng khách quốc tế. Châu lục này cùng với Trung Đông cũng là 2 nơi có tốc độ phục hồi du lịch quốc tế mạnh mẽ nhất, với lượng khách lần lượt đạt 74% và 76% của năm 2019 (trước đại dịch). Riêng tại châu Âu, tính đến ngày 19/9 có 44 quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại liên quan tới Covid-19.

Thống kê của UNWTO cho thấy châu Á và Thái Bình Dương đã chứng kiến lượng khách đến tăng hơn gấp đôi trong 7 tháng đầu năm 2022, mặc dù vẫn thấp hơn 86% so với mức của năm 2019, do một số biên giới vẫn đóng cửa cho các chuyến du lịch không thiết yếu.

 


Tại khu vực ASEAN, du lịch tiếp tục đà tăng trong quý 4. Thống kê của UNWTO cho thấy, số lượt tìm kiếm khách sạn trong khu vực đã tăng 28% kể từ đầu năm 2022 đến nay trong khi tỷ lệ đăng ký lưu trú tại các khách sạn cũng tăng 57%.

Niềm tin du lịch nhìn chung trên toàn khu vực tăng khoảng 40% tính từ đầu năm tới nay và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi vaccine ngừa Covid-19 được cung cấp rộng rãi trên toàn cầu và các biến thể mới gây bệnh nhẹ hơn.

Sự phục hồi liên tục của du lịch quốc tế cũng có thể được nhìn thấy trong chi tiêu du lịch nước ngoài từ các thị trường nguồn chính như Pháp, Đức, Mỹ,…

Theo Hiệp hội Hàng không dân dụng quốc tế (IATA), lưu lượng khách quốc tế đi qua đường hàng không cũng đạt hiệu suất cao, với mức tăng 234% trong giai đoạn tháng 1-7/2022, phục hồi khoảng 70% mức lưu lượng vào tháng 7/2019.

Thận trọng về triển vọng phục hồi

Trên thang điểm từ 0 đến 200, Hội đồng các chuyên gia du lịch của UNWTO đã đánh giá giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8/2022 với số điểm 125, phù hợp với kỳ vọng tăng trưởng trong cuộc khảo sát hồi tháng 5.

 

Du lịch tiếp tục phục hồi ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số thách thức, từ địa chính trị đến kinh tế.

Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili

Trong thời gian còn lại của năm 2022, các chuyên gia vẫn đưa ra đánh giá lạc quan một cách thận trọng. Gần một nửa số chuyên gia (47%) nhìn thấy triển vọng tích cực trong giai đoạn từ tháng 9-12/2022, trong khi 24% kỳ vọng không có thay đổi cụ thể nào và 28% cho rằng triển vọng của du lịch quốc tế có thể xấu hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình du lịch quốc tế sẽ khả quan hơn trong năm 2023, khi 65% cho rằng hoạt động du lịch tốt hơn so với năm 2022.

Môi trường kinh tế không chắc chắn dường như đã đảo ngược triển vọng quay trở lại mức trước đại dịch trong thời gian tới. Khoảng 61% chuyên gia dự báo phải tới năm 2024 hoặc sau đó, lượng khách quốc tế có thể trở về mức năm 2019. Số chuyên gia cho rằng lượng khách quốc tế quay lại về mức trước đại dịch vào năm 2023 đã giảm xuống 27% so với cuộc khảo sát hồi tháng 5 (48%).

Theo các chuyên gia của UNWTO, môi trường kinh tế tiếp tục là yếu tố chính đè nặng lên sự phục hồi của du lịch quốc tế. Lạm phát gia tăng và giá dầu tăng đột biến dẫn đến chi phí vận tải và lưu trú cao hơn, đồng thời gây áp lực cho sức mua và khiến người tiêu dùng tiết kiệm hơn.

Theo N.T (NDO/UNWTO)

 

Có thể bạn quan tâm