Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Ước mơ của những tân binh người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2016, Tiểu đoàn Trinh sát 28 (Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3) được giao nhiệm vụ huấn luyện 80 chiến sĩ mới là thanh niên ưu tú của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Trong đó, hơn 85% là người dân tộc Jrai và nhiều thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Tôi được cán bộ tiểu đoàn giới thiệu đến gặp tân binh Ksor Sly-người mà anh em trong đơn vị gọi là “thầy giáo”. Tiếp tôi bằng một phong thái tự tin, chững chạc và khả năng nói chuyện lưu loát nếu không được giới thiệu trước thì tôi không nghĩ người tiếp chuyện mình là một thanh niên dân tộc thiểu số. Trong câu chuyện cởi mở, Ksor Sly đã bộc bạch cho tôi biết, anh sinh ra và lớn lên ở xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, năm 2014, tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên với chuyên ngành giáo dục thể chất và có một năm đi dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Kpă Klơng, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.

 

          Tân binh Ksor Sly (người đánh đàn). Ảnh: Nguyễn Anh Sơn

Thầy giáo đi bộ đội thế này có nhớ trường, nhớ lớp không? - Tôi hỏi và ngay lập tức Ksor Sly trả lời như đó là điều đã ăn vào tiềm thức của anh: "Có! Nhớ lắm thủ trưởng ạ! Người Jrai đang cần cái chữ. Nhưng thời gian còn dài, em vào bộ đội để tiếp tục học tập, rèn luyện sau này đứng trên bục giảng sẽ truyền thụ lại cho các thế hệ học trò người dân tộc thiểu số nói chung, người Jrai nói riêng về lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Người Jrai một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Nhưng thời gian qua bị kẻ xấu dụ dỗ, kích động làm cho một số người bỏ chỗ sáng đi vào chỗ tối, truyền đạo, vượt biên trái phép. Nhưng đó là những tiếng nói lạc lõng trong cộng đồng mà thôi. Khi đã là "Bộ đội Cụ Hồ" mình sẽ góp phần cùng bà con tuyên truyền, vận động những người lầm đường, lạc lối trở về với buôn làng".    

Cũng như Ksor Sly, tân binh Rơ Ô Ngơi ở xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chuyên ngành Lý-Kỹ thuật Công nghiệp, anh nhập ngũ để thực hiện ước mơ của mình là trở thành "Bộ đội Cụ Hồ". Rơ Ô Ngơi tâm sự, hình ảnh người lính Cụ Hồ đã đi vào tiềm thức của anh từ bé, anh yêu màu xanh của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam như yêu núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, những người anh hùng của vùng đất Tây Nguyên như: Anh Hùng Núp, A Sanh, A Mét... là thần tượng để anh phấn đấu học tập, rèn luyện.    

Còn rất nhiều thanh niên người Jrai có tri thức, hoài bão nhập ngũ vào Tiểu đoàn 28 mà tôi chưa có điều kiện gặp. Họ đang tiếp nối mạch nguồn bất khuất, kiên cường của Tây Nguyên trong giai đoạn mới như lời của Thiếu tá Ngô Văn Thanh-Chính trị viên Tiểu đoàn 28: "Đang có sự thay đổi lớn trong cơ cấu, thành phần, trình độ của thanh niên dân tộc thiểu số nhập ngũ. Chúng tôi được tiếp nhận nhiều trí thức người dân tộc thiểu số vào đơn vị. Đó là một lợi thế lớn trong huấn luyện và xây dựng đơn vị".

Nguyễn Anh Sơn

Có thể bạn quan tâm