(GLO)- Những năm gần đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) không ngừng được mở rộng, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người trồng. Nhằm hướng tới phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững, một số hộ nông dân nơi đây đã tính đến việc khôi phục giống tiêu sẻ Lệ Chí vốn có nhiều đặc tính nổi trội, được cho là rất phù hợp với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cây hồ tiêu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Theo nhiều tài liệu, từ thế kỷ XVII, hồ tiêu đã được đưa vào trồng ở Việt Nam. Đến cuối thế kỷ XIX, hồ tiêu đã trở thành sản phẩm hàng hóa được trồng nhiều ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Đầu thế kỷ XX, loại cây này được các chủ đồn điền người Pháp phát triển tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị, Quảng Nam. Cho đến giai đoạn 1940-1970, hồ tiêu phát triển rộng ra nhiều tỉnh miền Trung, Nam bộ với diện tích khoảng 400 ha. Sau năm 1975, đặc biệt là giai đoạn 1983-1990, do giá hồ tiêu trên thị trường thế giới và trong nước tăng cao, loại cây trồng này tăng nhanh về diện tích, chủ yếu tại vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu là: Bình Phước, Đak Nông, Đak Lak, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai.
Nếu được chăm sóc bài bản, giống tiêu sẻ Lệ Chí có thể đạt năng suất 5 kg/trụ, sản lượng ổn định qua các năm. Ảnh: S.C |
Là một người con xứ Quảng di dân theo chính sách dinh điền của chế độ cũ vào làng Piơm 2 (sau đổi tên thành xã Lệ Chí và nay là xã Nam Yang, huyện Đak Đoa), ông Bùi Tương (90 tuổi) nhớ lại: “Bà con vào đây khoảng tháng giêng, tháng 2-1958. Toàn bộ 2.200 người đều là dân huyện Thăng Bình và Tam Kỳ, đi theo 5 đợt, mỗi đợt tương ứng với một thôn sau này. Hành trình từ Quảng Nam lên đến vùng Lệ Chí mất 3 ngày vì đường sá lúc đó bị hỏng nhiều”. Ở vùng đất mới, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vất vả trăm bề, khí hậu khắc nghiệt nên chỉ trong vòng 3 tháng đầu đã có khoảng 200 người tử vong do bệnh tật; trẻ sinh ra trong quãng thời gian này chỉ 5 em còn sống sót. “Thời điểm đó, chúng tôi được cấp mỗi hộ 4 dây hồ tiêu. Phân tro không có, mình trồng bằng cách vùi xuống đất rồi để đó nên đa phần hồ tiêu chết hết, chỉ một số ít còn sống”-ông Bùi Tương kể.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, cây hồ tiêu vẫn luôn gắn bó với người dân Lệ Chí như một cơ duyên. “Từ nhỏ đến lớn, lúc nào tôi cũng thấy cây hồ tiêu trong vườn, nhà ít thì trồng vài trụ, nhà nhiều thì vài chục, vài trăm trụ. Hầu như nhà nào cũng trữ sẵn hồ tiêu, phần để dùng, phần gửi về quê làm quà biếu”-anh Bùi Thăng (con trai ông Bùi Tương, thôn 4, xã Nam Yang) xác nhận. Theo cách phân biệt của bà con, giống hồ tiêu lâu nay trồng tại Lệ Chí là tiêu sẻ, có đặc điểm là lá nhỏ, thân nhỏ, ra nhiều chuỗi và đậu đều trái, hạt to tròn đều, chắc, vị cay và thơm hơn giống hồ tiêu khác. Ngoài ra, giống hồ tiêu này dễ trồng, dễ chăm sóc và có khả năng kháng bệnh tốt, tỷ lệ tái sinh cao trong môi trường tự nhiên.
“Hồi trước, đa phần hồ tiêu trồng ghép trên thân cây mít, cây vông, gòn gai nên sinh trưởng rất tốt, dây lươn thòng từ ngọn xuống dù không được chăm sóc bài bản, chỉ có tro bếp vùi gốc và nước trời. Dây lươn cắt về là dập xuống đất chứ không cần ươm bì rồi cứ thế nương theo cây trụ sống mà leo. Mỗi lần thu hái, bà con phải bắc thang leo lên, mất mấy ngày mới xong. Theo lời kể của các bậc cao niên và của mẹ tôi thì giống hồ tiêu địa phương có từ thời lập dinh điền”-anh Nguyễn Hùng Anh (thôn 3, xã Nam Yang) cho biết.
Từ chỗ mỗi nhà chỉ trồng vài trụ, đến những năm 1987-1988, người dân Nam Yang bắt đầu nhân rộng diện tích hồ tiêu bằng chính nguồn giống tại chỗ. So với giống hồ tiêu vùng khác, hồ tiêu sẻ Lệ Chí cho sản lượng ổn định mà không đòi hỏi nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí chăm sóc thấp. Nhược điểm duy nhất của giống hồ tiêu này là dễ bị rụng trái, cháy lá khi vào mùa sương mai hoặc chín muộn do dựa vào nước trời. Đến nay, theo khảo sát của bà con, số vườn trồng giống tiêu sẻ Lệ Chí không còn nhiều, tỷ lệ chỉ xấp xỉ 1% diện tích hồ tiêu của xã (356 ha). Đáng chú ý, một số vườn trồng giống tiêu sẻ địa phương từ năm 1999-2000 vẫn đang tiếp tục được khai thác, tỷ lệ sâu bệnh không đáng kể, thậm chí có cây chết rụi vẫn tự bật chồi tái sinh.
Sơn Ca
Kỳ cuối: Mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ