Kinh tế

Ưu tiên đầu tư cho vùng nguyên liệu mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thị xã An Khê hiện có khoảng 3.300 ha mía. Cây mía mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năng suất mía bình quân chỉ đạt 54 tấn/ha, tương đương 84,38% so với năng suất bình quân của tỉnh và chỉ bằng 89,26% so với năng suất mía bình quân của cả nước. Nguyên nhân do tập quán trồng mía quảng canh, khai thác dinh dưỡng sẵn có trong đất mà chưa chú trọng đến việc bổ sung dinh dưỡng cho đất nuôi cây mía phát triển.

Sau vụ thu hoạch mía, nông dân đốt ngọn và lá mía làm giảm lượng chất hữu cơ cần thiết bổ sung cho đất và thực hiện vai trò che phủ giữ ẩm cũng như hạn chế xói mòn đất. Hơn nữa, phần lớn diện tích mía phân bố trên đất đồi có độ dốc 8-200 và phụ thuộc 100% vào nước trời, nhưng khi canh tác nông dân lại trồng theo hàng thẳng và không che phủ đất nên quá trình xói mòn xảy ra mạnh, đất màu và dinh dưỡng khoáng bị rửa trôi với lượng lớn, độ PH của đất ngày càng giảm.
 

Vào mùa thu hoạch mía. Ảnh: Lê Nam
Vào mùa thu hoạch mía. Ảnh: Lê Nam

Để khắc phục tình trạng trên, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã-ông Nguyễn Công Tuấn, Phòng sẽ tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình trồng mía.

Theo đó, Phòng Kinh tế đã khởi động dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống mía và canh tác mía theo hướng hiệu quả, bền vững; tổng diện tích đưa vào thực hiện mô hình là 60 ha; trong đó 30% diện tích trồng mía tơ và 30% diện tích mía gốc tại các xã: Thành An, Song An, Cửu An, Xuân An và Tú An. Tổng vốn đầu tư các mô hình từ nay đến năm 2015 là 4,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ Trung ương hỗ trợ 1,65 tỷ đồng, còn lại các hộ dân tham gia dự án đóng góp bằng nguyên vật liệu, ngày công lao động... để xây dựng mô hình: nhân giống mía mới K88-92, K88-65, VN84-4137; trình diễn giống mía mới K88-92, K88-65, VN84-4137; canh tác giống mía mới K88-92, K88-65, VN84-4137 gắn với chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc mía. Ông Trương Văn Túc (thôn Cửu Đạo 1, xã Tú An) một trong số 25 hộ dân trồng mía có tên trong danh sách được lựa chọn tham gia dự án khẳng định: Cây mía giúp nông dân có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, mong muốn của nông dân là năng suất mía đạt cao hơn mức bình quân chung hiện nay, giá bán mía ổn định theo hướng có lợi để người trồng mía không chỉ sống được, mà còn làm giàu từ loại cây trồng chủ lực này. Vì vậy, cá nhân ông cũng như các hộ được chọn tham gia dự án hy vọng sẽ có được những vụ mía cho năng suất cao trong thời gian tới.

Niềm hy vọng của người trồng mía là có cơ sở khi kết quả khảo nghiệm giống mía K88-92; K88-65 của Trung tâm Giống mía thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, năng suất đạt 75-85 tấn/ha, hàm lượng đường 10-11%. Còn kết quả khảo nghiệm giống mía K88-92, K88-65 tại An Khê của Công ty cổ phần Đường Bình Định năng suất đạt  80-120 tấn/ha, hàm lượng đường 10-12%.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, với năng suất mía bình quân đạt được từ mô hình thử nghiệm thì 60 ha mía trong vùng dự án sau khi trừ phí đầu tư sẽ mang lại cho nông dân gần 1,9 tỷ đồng trong vòng 30 tháng. Việc triển khai dự án mỗi năm sẽ giải quyết việc làm cho 128.000 lao động tại chỗ. Đặc biệt, để đảm bảo nguồn lợi cho người trồng mía, cơ quan chủ trì thực hiện dự án là Phòng Kinh tế thị xã An Khê đã thỏa thuận với Nhà máy Đường An Khê, Công ty cổ phần Đường Bình Định trong việc ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng mía của các hộ dân tham gia dự án theo phương thức giá thị trường nhưng có bảo hiểm giá trần khi giá thị trường xuống thấp.

Đồng thời, hai đơn vị thu mua sẽ đưa ra chính sách giá nguyên liệu ngay từ đầu vụ và ổn định suốt vụ thu hoạch mía. Trong trường hợp giá nguyên liệu trên thị trường biến động đơn vị thu mua điều chỉnh giá thu mua để đảm bảo thu nhập của người trồng mía trên nguyên tắc không thấp hơn các cây trồng khác trên cùng một loại đất. Đơn vị thu mua phải xây dựng lịch nhập nguyên liệu cụ thể để động viên các hộ nông dân nhân rộng kết quả của dự án. Với cam kết trên, mục tiêu nhân rộng dự án chuyển giao tiến bộ khoa học vào phát triển cây mía, sử dụng giống mía mới thay cho giống cũ thoái hóa để tăng năng suất, từng bước phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía trên địa bàn thị xã An Khê hoàn toàn khả thi.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm