(GLO)- Tại Công văn số 1442/UBND-NC, UBND tỉnh trả lời cử tri huyện Kông Chro về hỗ trợ kinh phí đo đạc diện tích rừng. Báo Gia Lai điện tử trích đăng nội dung trả lời về vấn đề nêu trên.
Kiến nghị:
Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10-8-2021 của HĐND tỉnh điều chỉnh Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh; Quyết định 527/QĐ-UBND ngày 23-8-2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích đất đưa ra khỏi Quy hoạch rừng và đất của các công ty lâm nghiệp, Công ty MDF Vinafor Gia Lai trả lại cho địa phương quản lý trên địa bàn huyện Kông Chro cần đo đạc là 18.969,01 ha. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện công tác đo đạc đối với diện tích này là rất lớn huyện Kông Chro không tự đảm bảo kinh phí để thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để UBND huyện Kông Chro thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đối với diện tích đất trên.
Ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp ngày 29-6-2022 để thẩm tra kết quả giám sát các kiến nghị, cử tri như sau:
Hiện nay, ngoài huyện Kông Chro còn một số địa phương khác (như: huyện Kbang, huyện Chư Prông...) nguồn thu ngân sách hạn hẹp, khả năng tự đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách cấp huyện để thực hiện công tác đo đạc là rất khó khăn. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kết quả thực hiện:
Căn cứ Quyết định 32/QĐ-TTg ngày 7-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án: Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông-lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBND ngày 28-8-2020 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông-lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh và giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện. Trong đề án này, huyện Kông Chro có 8.563 ha của các công ty Lâm nghiệp TNHH một thành viên: Kông Hdeh, Kông Chro, Ia Pa và Công ty MDF Vinafor. Còn lại 10.406 ha đất thuộc diện đất Nhân dân đang sản xuất nông nghiệp nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng được xác định khi thực hiện Quyết định 527/QĐ-UBND ngày 23-8-2021 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Về kinh phí, trong đề án đã nêu rõ: Đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 100% cho tỉnh để thực hiện. Trường hợp ngân sách trung ương hỗ trợ chưa đủ 100% thì phần còn lại cân đối ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách và các nguồn khác (nếu có). Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng trong dự toán kinh phí hàng năm gửi Sở Tài chính để cân đối tổng hợp trình UBND và HĐND tỉnh; đồng thời xin Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh nhưng do tình hình cân đối ngân sách của Trung ương và cả địa phương còn khó khăn nên chưa có nguồn phân bổ cho dự án.
Về kiến nghị của huyện Kông Chro, với nhu cầu cấp thiết của địa phương nếu cân đối được nguồn kinh phí của địa phương thì lập phương án, thiết kế kỹ thuật-dự toán trình các cơ quan có chức năng thẩm định và phê duyệt để tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và pháp luật.
GLO