Thể thao

V-League liệu có đổ vỡ tài chính?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một số chuyên gia bóng đá tại Đông Nam Á vừa cảnh báo dịch bệnh Covid-19 kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ “phá sản” ở các CLB thuộc các giải vô địch quốc gia khu vực. Vậy tình hình ở VN sẽ như thế nào?
 
Các CLB tại V-League tuy đang gặp khó khăn nhưng chưa bị đổ vỡ tài chính. Ảnh: Khả Hòa
Các CLB ở VN có sức “đề kháng” tốt hơn
Mới đây, báo chí Malaysia dự báo một viễn cảnh hết sức u ám đang đón đợi các CLB tại một số giải vô địch quốc gia ở Đông Nam Á vì cho rằng các CLB này khó có thể đứng vững khi “cơn bão” Covid-19 đi qua. Các nhà tài trợ thay vì tiếp tục đầu tư cho đội bóng sẽ rút lại nguồn tiền ban đầu để ưu tiên công tác chống dịch. Các CLB này sẽ dễ bị phá sản, thậm chí có nguy cơ phải giải tán vì không còn tài chính để hoạt động.
Ông Nguyễn Húp, Chủ tịch CLB Quảng Nam, nói: “Điều này sẽ rất khó xảy ra tại VN cho dù bóng đá quốc nội đúng là đang gặp nhiều khó khăn do ngoại cảnh tác động. Những đặc điểm riêng về mặt xã hội, chính trị, kinh tế cũng tạo cho các đội bóng tại VN những hình thái và điều kiện khá khác biệt so với các nước trong khu vực.
Một số đợt suy thoái kinh tế vài năm trước đã tạo ra sự sàng lọc nhất định, giữ lại những CLB có “thể lực dẻo dai”, có sức đề kháng tốt. Tuy các đội bóng không sống chủ yếu nhờ vào ngân sách địa phương nhưng các địa phương không dễ để đội bóng “tan rã” vì bóng đá tại VN không chỉ đơn thuần là bóng đá. Khi các đội không bị phá sản thì dĩ nhiên V-League không thể đổ vỡ tài chính được”.
 
V-League không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng không có nghĩa ai cũng sống khỏe. Ảnh: Vy Khánh
Đồng quan điểm này, Giám đốc điều hành CLB SLNA Hồ Văn Chiêm cũng cho rằng, có thể ở VN vẫn có sự phân cực giữa CLB giàu và nghèo nhưng các CLB nghèo rất khó phá sản cho dù đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình dịch bệnh. Ông Chiêm nói: “SLNA là đội bóng có thu nhập vào loại thấp nhất V-League nên chúng tôi cũng đành “gạt nước mắt” chia tay các trụ cột khi không đủ tiền để giữ chân họ. Thế nhưng, bằng bất kỳ giá nào, SLNA vẫn phải “sống” vì bóng đá tại Nghệ An là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Có thể không giàu nhưng SLNA không thể không tồn tại. Tương tự, tại VN, bóng đá không thể không tồn tại”.
“Chiến thuật” khác nhau ứng phó với đại dịch
Một số đội bóng lại đưa ra cách nhìn nhận ở góc độ khác. Lãnh đạo một CLB tại khu vực phía bắc phát biểu: “Việc chưa tự nuôi nổi mình của một CLB là câu chuyện bất cập của bóng đá hiện đại nhưng ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có tác động tiêu cực đến bóng đá toàn cầu thì vô hình trung sự chưa chuyên nghiệp đó lại khiến các CLB
V-League không dễ bị rơi vào cảnh phá sản. Nếu như ở các nước, bóng đá được xem như một nền công nghiệp thì ở nước ta, thử đếm xem có bao nhiêu đội đã có được nguồn thu lớn từ bán vé, từ bản quyền truyền hình, từ tham quan sân vận động, từ bảng quảng cáo trên sân, từ khai thác thương quyền, thậm chí từ tiền bán áo đấu của cầu thủ.
Chẳng có đội nào cả. Vì thế, khi V-League tính đến giờ mới phải nghỉ chưa đầy 1 tháng thì các CLB chưa phải chạy ăn từng ngày đâu. Thêm vào đó, khi các đội không thi đấu thì nhiều khoản chi cũng bớt đi, trong đó đáng kể là chi phí đi lại. Nên càng khó nói là đội bóng V-League đã thiệt hại nhiều do dịch bệnh”.
 
Cầu thủ ngoại chính là nhân vật ngốn lương nhiều nhất trong các CLB. Ảnh: Minh Hoàng
Các đội bóng V-League hiện đang chia thành hai nhóm, gần một nửa số đội giảm lương và phần còn lại không giảm lương. Cả hai động thái này tuy nhìn vào thì khác nhau nhưng lại có một điểm chung là các đội đang có những cách xử lý sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Với những đội không (chưa) giảm lương, chí ít đến thời điểm này cũng minh chứng được một điều là các ông bầu vẫn còn đủ thực lực để nuôi đội cho dù dịch Covid-19 đang hoành hành. Một số đội vì tìm kiếm được các nguồn tài trợ khác nhau ngay từ đầu mùa (gói tài trợ chung cho cả đội cộng thêm gói tài trợ riêng cho vài cầu thủ nhất định của đội) nên chưa rơi vào cảnh lao đao.
Với những đội cắt giảm lương, trong số đó có đội lập hẳn lộ trình giảm lương (25% nếu giải hoãn 1 tháng, 30% nếu hoãn 2 tháng và 50% nếu hoãn lâu hơn), cũng phần nào minh chứng là họ đang tính toán để có “chiến thuật” hợp lý nhằm đối đầu với đấu thủ giấu mặt là dịch bệnh.
Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Dũng trong thông báo giảm lương đã viết rõ: “Tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng nhau đoàn kết, làm việc chăm chỉ, tích cực sáng tạo, tiết kiệm chi tiêu để chúng ta cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Việc cầu thủ chấp nhận giảm lương cũng là cách chung tay với nhà đầu tư, vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại, cùng hướng tới tương lai. “Sau này khi bóng đá trở lại, tiền lại về, hai bên cũng chẳng đi đâu mà thiệt”, một cầu thủ cho biết.
Một quan chức của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) nói: “Chúng tôi không quá lo ngại xảy ra nguy cơ sụp đổ tài chính ở các CLB. VFF luôn chia sẻ những khó khăn mà các đội đang phải trải qua và rất tin tưởng các địa phương, các ông bầu sẽ vượt qua được thử thách. V-League sẽ không thể đổ vỡ tài chính”.
Nhật Duy-Tiểu Bảo (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm