TN - Đất & Người

Vắc-xin có ảnh hưởng việc hàng loạt bò sữa chết ở Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc tiêm vắc xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) có ảnh hưởng đến bò sữa bị bệnh tiêu chảy.

Ngày 13-8, tại hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí, ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng, đã thông tin về tình hình dịch tiêu chảy khiến hàng trăm con bò sữa chết.

Người dân huyện Đơn Dương chăm sóc bò sữa bị bệnh tiêu chảy sau tiêm vắc-xin.
Người dân huyện Đơn Dương chăm sóc bò sữa bị bệnh tiêu chảy sau tiêm vắc-xin.

Cụ thể, từ cuối tháng 7-2024 đến ngày 12-8, trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà có 5.350 con bò phát bệnh tiêu chảy và 237 con bị chết. Trong đó, huyện Đơn Dương có 2.923 con phát bệnh, 172 chết; huyện Đức Trọng có 2.392 con phát bệnh, 63 chết; huyện Lâm Hà 35 con phát bệnh, 2 con chết.

Ông Hoàng Sỹ Bích cho biết chiều 11-8, Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT đã thông tin việc tiêm vắc-xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac của Navetco có ảnh hưởng đến bò bị bệnh tiêu chảy.

Vắc-xin Navet-Lpvac được UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT tổ chức mua sắm thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi và có liên danh 5 nhà thầu trúng thầu cung ứng 8 loại hàng hóa (6 loại vắc-xin, 2 loại hóa chất). Trong đó, Navet-Lpvac do Navetco cung ứng. Việc mua sắm hàng hóa đảm bảo tuân thủ quy trình và các quy định của pháp luật.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, đơn vị đã phối hợp với UBND các huyện, xã để kiểm tra cụ thể tình hình, xác định nguyên nhân gây bệnh; tạm dừng việc tiêm phòng vắc-xin Navet-Lpvac và triển khai một số biện pháp phòng chống bệnh tạm thời trên đàn bò sữa. Cơ quan này đã xuất 1.800 lít hóa chất để các địa phương khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh cho bò.

Hơn 100 người, gồm chuyên gia của Cục Thú y; bác sĩ thú y, thú y viên của các địa phương khác, trực tiếp hỗ trợ các hộ dân có bò bị bệnh thực hiện điều trị. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.

Ông Bích thông tin sau thời gian tích cực điều trị theo phác đồ, một số bò bệnh nặng đã có diễn biến tích cực, giảm bớt triệu chứng; bò bị bệnh nhẹ đã hết triệu chứng.

Theo Trường Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm