Du lịch

Vai trò du lịch biển trong Chiến lược biển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển. Các bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đến Nam với khoảng 125 bãi tắm đẹp cả lớn và nhỏ, trong đó có nhiều bãi biển được xếp hạng trên thế giới.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36) xác định, du lịch là một trong những ngành kinh tế chủ chốt trong các ngành kinh tế biển, đồng thời chỉ ra nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch vùng biển bao gồm ven biển, đảo và đảo xa bờ.
Đồng thời, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/12/2011 coi các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch là giải pháp quan trọng hàng đầu, trong đó hướng ưu tiên lớn nhất là tập trung phát triển dòng sản phẩm du lịch biển, đảo. Với các thế mạnh nổi trội về tiềm năng du lịch biển, các sản phẩm du lịch biển đảo trong tương lai sẽ mang đến cơ hội cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế đến với du lịch Việt Nam.
Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo
Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển. Các bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đến Nam với khoảng 125 bãi tắm đẹp cả lớn và nhỏ, trong đó có nhiều bãi biển được xếp hạng trên thế giới. Bờ biển Việt Nam cũng có gần 50 vũng vịnh lớn nhỏ, trong đó có nhiều vịnh được đánh giá cao trên thế giới như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và vịnh Xuân Đài (Phú Yên). 2.773 đảo lớn nhỏ ven bờ, trong đó vịnh Hạ Long có 2.000 đảo, với nhiều hình thái đặc biệt - địa hình kast ngập nước, được du khách quốc tế biết đến như một kỳ quan của tạo hóa.

Vịnh Hạ Long - một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Vịnh Hạ Long - một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Bên cạnh đó, biển đảo Việt Nam cũng có tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú, đặc biệt như các Vườn Quốc gia: Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc; 6 khu dự trữ sinh quyển nằm ở rừng ngập mặn Cần Giờ, quần đảo Cát Bà, vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng, vùng biển đảo Kiên Giang, Cù Lao Chàm và Vườn Quốc gia Cà Mau. Hệ đa dạng sinh học vô cùng phong phú ở 29 khu bảo tồn thiên nhiên biển. Ngoài ra, dải ven biển còn có 1.013 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 195 lễ hội dân gian truyền thống, trên 150 làng nghề... Các tài nguyên du lịch biển này đang được khai thác, phục vụ phát triển du lịch, thu hút lượng khách đông đảo đến khu vực các tỉnh ven biển Việt Nam.
Tiến sỹ Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Tài chính - Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong những năm qua, du lịch các tỉnh ven biển đóng góp khá quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chiếm hơn 60% tổng thu từ du lịch của cả nước. Tốc độ tăng trưởng về thu nhập từ du lịch trong vòng 15 năm trở lại đây giữ mức tăng trưởng hơn 24%/năm. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ven biển có xu hướng tăng liên tục và hiện nay chiếm gần 70-80% tổng lưu lượng khách trên cả nước.
Khách du lịch nội địa chiếm hơn 50% tổng lượng khách đi lại trên toàn quốc. Du lịch ngày càng khẳng định sự đóng góp quan trọng trong nền kinh tế biển. Du lịch là một ngành có lợi thế quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu nhập ngoại tệ. Hoạt động du lịch được coi là ngành xuất khẩu tại chỗ, không chỉ các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí mà còn kích thích tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ các loại hàng hoá, thực phẩm cung cấp cho du khách, hàng hóa tiêu dùng, sản vật và đồ lưu niệm trong nước tạo ra tính lan tỏa của hiệu ứng kinh tế.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu: “Phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch biển cạnh tranh khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển xây dựng khu du lịch biển có quy mô, tầm cỡ khu vực và quốc tế, chất lượng cao, khu giải trí cao cấp, bổ sung các sản phẩm du lịch thể thao biển và sinh thái biển”. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 với các nội dung chi tiết định hướng phát triển du lịch biển, đảo trên toàn quốc.
Tiến sỹ Đỗ Cẩm Thơ khẳng định, với sự thu hút đầu tư phát triển trong thời gian gần đây, hệ thống các khu nghỉ dưỡng ven biển đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở dải ven biển miền Trung tạo nên một sự biến chuyển về diện mạo đô thị, hình thành dần tiềm lực cung ứng sản phẩm du lịch biển. Nhiều địa phương ven biển từ chỗ hầu như không có năng lực đón tiếp như Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận... nay đang có sức bật nhanh chóng.
Các khu nghỉ dưỡng ven biển có đặc điểm là phục vụ chủ yếu các loại khách du lịch nghỉ dưỡng, khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị... đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ ở đây phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, lực lượng lao động phải đảm bảo các kỹ năng về chuẩn nghề quốc tế, đáp ứng hoàn toàn theo các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế. Với nhiều địa phương, lao động được thu hút từ cộng đồng và được đào tạo liên tục qua nhiều hình thức để đảm bảo lực lượng có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu
Với nguồn tài nguyên du lịch biển hấp dẫn và quá trình đầu tư phát triển, các khu nghỉ dưỡng ở biển miền Trung có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển nổi tiếng của các nước trong khu vực như: Ba Li (Indonesia); Pattaya, Phukhet (Thái Lan); các bãi biển Tanjong, Siloso và Palawan trên đảo Sentora (Singapore); các khu du lịch biển của Malaysia.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch về thực hiện Nghị quyết 36 của ngành Du lịch biển, kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”, cập nhật các tình hình thực tế khi so sánh sản phẩm du lịch biển Việt Nam với một số nước có sản phẩm du lịch biển phát triển trong khu vực là Thái Lan và Indonesia cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng đến các khu vực ven biển Việt Nam còn nhiều hạn chế. Thái Lan hiện có 107 sân bay quốc tế và nội địa, 9 cảng biển quốc tế cho du lịch tàu biển, hơn 4.000 km đường sắt, 64.000 km đường cao tốc, 4.500 km đường xa lộ, 4.000 km đường sông. Indonesia hiện có 10 sân bay quốc tế và 700 sân bay nội địa, 8 cảng biển quốc tế, hơn 370.000 km đường bộ, 22.000 km đường biển.
Tính riêng cho du lịch biển, hiện nay, Việt Nam chưa có cảng biển du lịch nào. Bên cạnh đó, ngân sách và năng lực xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực. Cũng vậy, với kinh nghiệm phát triển du lịch biển lâu năm, công tác tổ chức và dịch vụ của các nước này cao hơn so với Việt Nam. Chính vì vậy, để tạo khâu đột phá, bên cạnh việc tiếp tục quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các vị trí địa lý, du lịch Việt Nam, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ vui chơi giải trí tại các khu du lịch thì rất cần xây dựng một cảng biển du lịch phục vụ cho các con tàu du lịch quốc tế qua lại với các dịch vụ hoàn hảo, hấp dẫn hơn.
Lợi thế lớn nhất và cũng là sự khác biệt của sản phẩm du lịch biển Việt Nam so với các nước trong khu vực là phong cảnh đẹp và tính nguyên sơ của tài nguyên du lịch biển. Các bãi biển tại miền Trung của Việt Nam và Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc và Côn Đảo... tạo nên tính nổi trội cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng giải trí biển của nước ta trong tương lai.
Quá trình phát triển, đặc biệt ngày một mở rộng khai thác và phát triển các điểm đến du lịch mới, sản phẩm du lịch mới, nhiều điểm đến của du lịch Việt Nam đã được khách du lịch quốc tế khám phá, ưa thích. Nhiều tổ chức quốc tế đại diện cho khách du lịch, cho các hãng lữ hành quốc tế toàn cầu hoặc các tạp chí quốc tế đã có những bầu chọn vinh danh các điểm đến du lịch Việt Nam mà trong đó nhiều điểm đến du lịch biển được đánh giá cao. Vịnh Hạ Long có tầm quan trọng đặc biệt của du lịch biển Việt Nam với hai lần được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Nhiều khảo sát thị trường cho thấy, 70% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều đến thăm vịnh Hạ Long. Cùng với vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang và vịnh Lăng Cô đều nằm trong top 30 vịnh đẹp nhất thế giới. Nhiều bãi biển của Việt Nam được các tổ chức quốc tế bầu chọn là bãi biển đẹp trên thế giới như: Mỹ Khê (Đà Nẵng) được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Tạp chí Du lịch Rough Guides của Anh bình chọn Bãi Dài (đảo Phú Quốc - Kiên Giang) xếp hạng 13 thế giới về các bãi biển hoang sơ đẹp nhất. Tạp chí National Geographic của Mỹ xếp bãi biển Nha Trang vào danh sách 100 bãi biển đẹp nhất thế giới...
Theo Tiến sỹ Đỗ Cẩm Thơ, để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch vùng biển, ngành Du lịch cần xác định mục tiêu: phát triển thành công, đột phá ngành kinh tế du lịch và dịch vụ biển; xây dựng văn hóa biển góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Trong đó, ngành tập trung vào các định hướng như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, địa phương và cộng đồng về phát triển du lịch biển theo hướng bền vững; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch biển, phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực về văn hóa, thể thao và du lịch các vùng ven biển; phát triển, nâng cao và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và du lịch sinh thái biển; xây dựng nền văn hoá biển, phát triển du lịch cộng đồng vùng ven biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc phát triển thương hiệu biển Việt Nam cần coi là một thương hiệu quốc gia mà trong đó thương hiệu du lịch biển là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Các hình ảnh về một quốc gia được chuyển tải nhanh hơn thông qua các hình ảnh du lịch. Cụ thể là cần có các biện pháp xúc tiến quản bá phù hợp từ Trung ương đến địa phương, mang tính tập trung, hình thành rõ nét từng khu vực với từng thế mạnh sản phẩm, thế mạnh thương hiệu của mỗi địa phương ven biển.
Các nhìn nhận quốc tế về các bãi biển, vịnh đẹp Việt Nam là động lực cho hoạt động xúc tiến quản bá du lịch biển ra nước ngoài. Ngoài ra, du lịch biển cũng được định vị qua các đặc trưng văn hóa, các giá trị ẩm thực cùng các tập tục từng vùng miền có biển, góp phần quan trọng trong phát triển thương hiệu du lịch biển Việt Nam.
Hoàng Nam (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm