(GLO)- Quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản sẽ góp phần nâng cao giá trị hàng nông-lâm-thủy sản, tạo điều kiện cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định. Xác định tầm quan trọng của công việc này, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực vật tư nông nghiệp và nông-lâm-thủy sản.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: K.N.B |
Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập 9 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Kết quả kiểm tra 50/50 cơ sở cần kiểm tra cho thấy có 8 cơ sở ngừng sản xuất kinh doanh, 42 cơ sở còn lại có 33 cơ sở xếp loại A, 9 cơ sở xếp loại B, không có loại C. Điều đó cho thấy các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông-lâm-thủy sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chấp hành khá tốt các quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản.
Cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT và các chi cục thuộc Sở được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đã tổ chức thanh tra 103 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện 74 cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt số tiền 142,5 triệu đồng. Theo tổng hợp của cơ quan quản lý thì lỗi vi phạm của 53 cơ sở trên tập trung nội dung tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và thực hành an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh; vi phạm các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, trên lĩnh vực vật tư nông nghiệp có đến 44 cơ sở vi phạm trong tổng số 54 cơ sở được kiểm tra. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón không có dấu hợp quy, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sai nhãn mác, không có chứng chỉ hành nghề buôn bán theo quy định. Theo lý giải của ông Toàn, sở dĩ số cơ sở vi phạm nhiều so với tổng số cơ sở kiểm tra, song lại không có cơ sở nào bị xếp loại C xuất phát từ thực tế 1 cơ sở bị kiểm tra nhiều nội dung, có cơ sở vi phạm 2-3 nội dung nên số cơ sở vi phạm đội lên theo quá trình phân loại nội dung vi phạm. Tuy nhiên mức độ vi phạm không thuộc khung loại C.
Kiểm tra chất lượng phân bón tại xã Song An, thị xã An Khê. Ảnh: Lê Nam |
Kiểm tra, xử phạt gắn với yêu cầu cơ sở khắc phục vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản đúng quy định hiện hành là cần thiết. Tuy nhiên, để giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực này chủ động thực hiện các quy định hiện hành, hạn chế thấp nhất các lỗi vi phạm, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nông-lâm-thủy sản an toàn đã được Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung thực hiện. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã mở 9 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho 348 lượt người sản xuất kinh doanh thực phẩm nông-lâm-thủy sản. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành quy hoạch chăn nuôi gắn với giết mổ tập trung, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn. Riêng chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong nông-lâm nghiệp và thủy sản theo tinh thần Quyết định 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xem xét quyết định. Tuy vậy đến nay UBND tỉnh chưa ban hành quyết định quy định chính sách này vì còn nhiều ý kiến khác nhau.
Khắc phục tình trạng trên, ông Toàn cho biết từ nay đến hết năm 2014, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các huyện Kông Chro và Krông Pa triển khai thực hiện Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT đúng quy định. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản theo quy định của pháp luật để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản, góp phần thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định.
Quang Văn