Bạn đọc

Vẫn còn tình trạng “tranh mua, tranh bán” mía từ vùng nguyên liệu của công ty

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Công văn số 618/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, đến năm 2015, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai được quy hoạch vùng nguyên liệu mía là 7.000 ha tại các xã của huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã phát triển vùng nguyên liệu mía với tổng diện tích là 6.830 ha (đây là tổng diện tích vùng nguyên liệu mía tại khu vực Đông Nam tỉnh).

Trong đó, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với 80% diện tích canh tác mía của các chủ mía tại khu vực Đông Nam, 20% diện tích còn lại, các chủ mía đều ký hợp đồng bán cho Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai. Tổng số hộ canh tác mía tại khu vực Đông Nam khoảng 3.400 hộ. Tất cả các hộ này đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty và có sự xác nhận của chính quyền địa phương.

Ảnh: Hồng Sơn

Tuy vậy, ngay từ đầu vụ ép, việc “tranh mua tranh bán” mía từ vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai vẫn diễn ra đối với các nhà máy mía đường thuộc các tỉnh: Phú Yên, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Định, Đak Lak. Việc tranh mua nguyên liệu mía cây xảy ra rất phức tạp, vùng nguyên liệu có hiện tượng bị các đối tượng thu mua xúi giục kẻ xấu đốt mía. Đến nay có trên 156 ha mía bị đốt cháy, gây thiệt hại tài sản và người đã gây tâm lý hoang mang cho chủ mía. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai Cáp Thành Dũng cho biết: Đến nay đã có 411 xe mía, tương đương 15 ngàn tấn mía bị vận chuyển bán cho các nhà máy khác, tiêu biểu như: Từ ngày 9-12-2011 đến ngày 14-12-2011 đã có 36 xe, sản lượng 1.260 tấn mía cây các chủ mía bán cho Công ty Rượu Vạn Phát, tỉnh Phú Yên; từ ngày 13-1-2012 đến ngày 18-1-2012 đã có 23 xe mía bán cho Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa...

Việc này đã gây khó khăn cho Công ty như không thu hồi được số tiền đầu tư và xáo trộn kế hoạch sản xuất.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho biết thêm: “Việc thời gian qua một số chủ mía khi xuất mía ra ngoài, gặp lực lượng Thanh tra Giao thông tỉnh xử lý vì xe chở quá khổ quá tải, từ đó gây dư luận cho rằng nhà máy độc quyền vùng nguyên liệu, gây khó khăn cho các chủ mía. Thực tế, số mía được xuất đi trong thời gian qua là nguyên liệu mía mà Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã hợp đồng, đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Công ty đã có chứng cứ về số xe vận chuyển, khối lượng mía, chủ mía đã vi phạm hợp đồng.

Công ty đã nhiều lần gửi công văn đến các nhà máy tranh mua với mình, đề nghị hợp tác, chấm dứt tình trạng thu mua mía từ vùng nguyên liệu đã có hợp đồng với Công ty. Nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn và ngày một phức tạp bởi các thương lái tìm mọi cách để mua được mía, gây xáo trộn kế hoạch sản xuất và không thu hồi được vốn đầu tư.

Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm