(GLO)- Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; phụ cấp chức vụ, khu vực, thâm niên, phụ cấp nặng nhọc, độc hại... và nhiều khoản khác được dùng tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ ngày 15-2-2016. Với cách đóng BHXH này có thể sẽ gây khó khăn với một số doanh nghiệp (DN) do số tiền đóng BHXH cho người lao động tăng lên, nhưng qua tìm hiểu, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Người lao động sẽ được hưởng BHXH từ các phụ cấp chức vụ, thâm niên, phụ cấp nặng nhọc, độc hại... Ảnh: Hà Duy |
Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai là đơn vị có số lượng công nhân, người lao động khá lớn (thời điểm hiện tại là 449 lao động), trong đó có khá nhiều lao động được hưởng phụ cấp độc hại (gồm công nhân thu gom rác, công nhân nghĩa trang, công nhân duy tu, công nhân vận hành và quản lý hệ thống chiếu sáng...) và phụ cấp đặc biệt độc hại (công nhân thu gom phân, công nhân xử lý rác, công nhân lái máy san xúc bãi rác). Theo cách đóng BHXH mới, trung bình hàng tháng, số tiền BHXH đóng tăng thêm cho mỗi lao động mà Công ty phải đóng khoảng 200.000 đồng và mỗi tháng tổng số tiền BHXH Công ty phải đóng thêm là gần 90 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ!
Để cân đối số tiền 90 triệu đồng mỗi tháng này, bà Phạm Thị Điệp-Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai cho biết: Chúng tôi sẽ tiết kiệm các khoản chi phí khác như: Chi phí hành chính, văn phòng phẩm, tiếp khách... để quyền lợi, thu nhập của người lao động không bị ảnh hưởng. Đồng thời, lương của người lao động cũng được điều chỉnh tăng thêm 5% để bù vào phần đóng BHXH. Hiện tại lương trung bình người lao động của Công ty là 5.300.000 đồng/người/tháng.
Để các doanh nghiệp hiểu rõ được lợi ích, trách nhiệm của việc thay đổi mức đóng BHXH, BHXH tỉnh đã tổ chức tập huấn đến các đơn vị sử dụng lao động và thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động về mức đóng và quy định mới của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung, đồng thời phổ biến những nội dung mới về phương thức, mức đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ chuyên quản đến từng đơn vị sử dụng lao động để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc đóng BHXH theo quy định mới. Ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc BHXH tỉnh nhận định: “Do đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là từ công ty nhà nước chuyển qua cổ phần, mức đóng BHXH đóng theo thang bậc lương nhà nước, đối với doanh nghiệp tư nhân thì đóng theo số lương ghi trên hợp đồng lao động, chưa kể hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng cân đối để không ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động nên việc người lao động phải đóng BHXH theo tổng thu nhập hàng tháng tới nay, cơ quan BHXH vẫn chưa có những phản ánh tiêu cực nào từ phía người lao động”.
Vì Luật BHXH sửa đổi, bổ sung mới bắt đầu có hiệu lực thi hành nên đến nay vẫn còn một số đơn vị đang điều chỉnh lại thang bảng lương cho phù hợp. Ông Trần Ngọc Tuấn-Trưởng phòng Quản lý Thu, BHXH tỉnh cho biết thêm: “Hiện tại, đã có các công ty cao su hoàn thành xong thang bảng lương. Theo đó, số tiền đóng BHXH cho người lao động so với tháng 12-2015 có tăng lên nhưng không đáng kể. Đối với các công ty cà phê thì đang chờ Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xây dựng thang bảng lương phù hợp. Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh như Công ty Xây dựng Sông Đà, khối thương mại... vẫn đang chuyển xếp”.
Tuy hiện tại chưa có khúc mắc nào liên quan tới Luật BHXH sửa đổi, bổ sung, song như ông Hà Văn Tuấn-Chủ doanh nghiệp Tuấn Anh (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) lo ngại: “Với quy định này, sẽ có trường hợp những doanh nghiệp tuân thủ nghiêm Luật BHXH nhưng năng lực tài chính có hạn thì sẽ đuối sức, còn các đơn vị thiếu nghiêm túc sẽ tìm cách né trách hoặc trốn đóng bảo hiểm, chây ì...”. Còn đối với người lao động, có thể sẽ xảy ra trường hợp việc tăng tiền đóng BHXH dễ dẫn tới trường hợp người lao động bị bớt đi một phần thu nhập trước mắt, vì các ông chủ sẽ tìm cách cắt xén phụ cấp để tránh đóng BHXH.
Hà Duy