Vận động bầu cử: Chương trình hành động phải sát thực tế​

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo cử tri, người ứng cử phải có chương trình hành động cụ thể và khi đã hứa với dân thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó.

 Người dân xem danh sách đại biểu ứng cử (Ảnh: KTĐT)
Người dân xem danh sách đại biểu ứng cử (Ảnh: KTĐT)


Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (27-4-2016) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử. Điều mà nhiều cử tri quan tâm là người ứng cử phải có chương trình hành động cụ thể và khi đã hứa với dân thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó.

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nguyên tắc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử để trình hành động nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải có chương trình hành động cụ thể; cử tri quan tâm nhiều tới việc ứng viên sẽ làm được những gì nếu trở thành đại biểu và làm gì để thực sự là đại diện tiếng nói của cử tri.

Cử tri Nguyễn Tâm Trinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, điều mà nhiều cử tri quan tâm là người ứng cử phải có chương trình hành động cụ thể và khi đã hứa với dân thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó.

Đồng tình với quan điểm này, cử tri Đinh Ngọc Huyên, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội hy vọng ứng cử viên khi tiếp xúc cử tri sẽ hứa một cách cụ thể và sát với mong muốn của nhân dân, giải quyết được thủ tục hành chính rườm rà. Ứng cử viên đó cũng phải có trách nhiệm rõ ràng gắn vào vị trí cụ thể.

Thực tế cho thấy, cử tri không muốn nghe những người ứng cử đưa ra các lời hứa như: nếu trúng cử, tôi sẽ góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; cùng với Quốc hội ban hành các Luật, chính sách, bảo đảm dân chủ, nâng cao đời sống cho nhân dân; sẽ chất vấn tới cùng người đứng đầu Chính phủ và các bộ ngành... Đó đúng là chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, nhưng những lời hứa đó chưa thực sự phản ánh hết nguyện vọng của cử tri nơi ứng cử.

Ông Bùi Văn Xuyền-Ủy viên thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đối với ứng cử viên lần đầu ứng cử cần có chương trình hành động cụ thể, đặc biệt với đại biểu Quốc hội từng có kinh nghiệm hoạt động trong một nhiệm kỳ Quốc hội, khi tiếp xúc vận động bầu cử càng không nên chủ quan, thậm chí phải chuẩn bị kỹ càng hơn, phản ánh được nguyện vọng của cử tri.

“Chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, điều quan trọng là đại biểu phải nói được tiếng nói của cử tri lên diễn đàn Quốc hội và trước cơ quan Trung ương, địa phương để thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân. Giải quyết được nguyện vọng của người dân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, kể cả phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị đất nước. Tất cả những nguyện vọng đó là nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chương trình hành động trong 5 năm phải thể hiện được nội dung đó”, ông Bùi Văn Xuyền cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Thắng-Phó Tổng Biên tập Báo Người đại biểu Nhân dân chia sẻ, chương trình vận động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội phong phú, thiết thực, sâu sắc thì cử tri có thể chất vấn chương trình hành động của người ứng đại biểu.

Đồng thời, giữa người ứng cử có thể tranh luận về chương trình hành động. Qua tranh luận sẽ làm sáng tỏ hơn, gắn với năng lực, trách nhiệm, thời gian, khả năng của người ứng cử thực hiện chương trình hành động.

Vì thực tế, thông qua việc chất vấn chương trình hành động của người ứng cử sẽ là điểm nhấn để đại biểu, nếu trúng cử ngoài những công việc chung đóng góp cho Quốc hội thì cũng thực hiện chương trình hành động, lời hứa của bản thân, đem lại những đóng góp cụ thể cho đất nước, khu vực ứng cử.

Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, khi tiếp xúc cử tri, ngoài việc được chất vấn, cử tri sẽ biết người ứng cử nào đại diện cho mình, tin tưởng vào bước đi của những người trúng cử sẽ thực hiện được ý chí, nguyện vọng, đóng góp thiết thực vào những hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đây là điểm quan trọng trong quá trình vận động bầu cử, làm sao cho quy trình vận động không hình thức, thực chất, sâu sắc như lời hứa trước dân khi được tín nhiệm, trao trọng trách. Đây là điểm làm cho vận động bầu cử trở nên sinh động và thiết thực”.

Lời hứa cửa người ứng cử sẽ là căn cứ để cử tri giám sát việc làm của các ứng cử viên khi đã được bầu làm đại biểu Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của mình. Nên chăng, cũng cần phải có một cơ chế miễn nhiệm những đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nào không giữ lời hứa trang trọng của mình trước cử tri, trước nhân dân lúc vận động bầu cử.

Theo VOV