Sức khỏe

Vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện: Còn nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Lê Quốc Khánh-Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Gia Lai, cho biết: Gia Lai hiện chỉ có 1.026 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm hơn 0,1% lực lượng lao động. Đây là con số quá thấp so với kỳ vọng và mục tiêu.

Tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn thấp

Theo ông Lê Quốc Khánh, trên thực tế, số lao động làm việc trong khu vực không chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn nhiều nhưng chưa đăng ký tham gia. Số lượng người tham gia hiện nay thật sự chưa tương xứng với tiềm năng cũng như giá trị nhân văn mà chính sách này mang lại. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh chủ yếu là những người đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian hưởng lương hưu nên đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện chứ chưa có nhiều đối tượng tham gia mới. Một thực trạng đáng lo ngại khác là số lượng người tham gia BHXH tự nguyện hiện có xu hướng giảm.


 

 Thu nhập không cao nên nhiều người dân chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: internet).
Thu nhập không cao nên nhiều người dân chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: internet).

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những chính sách của Đảng và Nhà nước ta, bắt đầu thực hiện kể từ ngày 1-1-2008 theo quy định của Luật BHXH năm 2006; trong đó, có các nội dung quy định về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH tự nguyện. Đến ngày 20-11-2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 để thay thế Luật BHXH năm 2006 quy định về chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.

“Theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế trần tuổi. Cụ thể, nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Trước đó, Luật BHXH năm 2006 quy định trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện đến đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ (trừ trường hợp có từ đủ 15 năm đóng BHXH thì được tiếp tục đóng đến khi đủ 20 năm để được hưởng lương hưu). Luật BHXH 2014 cũng đã bổ sung linh hoạt các phương thức đóng (ngoài phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần); đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng) một lần. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu”-ông Lê Quốc Khánh thông tin thêm.

Khó khăn trong vận động người dân

Tại Gia Lai, mặc dù công tác tuyên truyền các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm, tăng cường với nhiều hình thức, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện; chưa có thói quen tham gia BHXH tự nguyện khi trẻ để về già được hưởng lương hưu. Thậm chí, nhiều người còn chưa hiểu rõ về các chính sách của BHXH tự nguyện, có sự nhầm lẫn giữa BHXH tự nguyện và các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Bên cạnh đó, mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ còn hạn chế…  

Một trong những rào cản gây khó khăn trong việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung là mức đóng BHXH tự nguyện tuy linh hoạt nhưng vẫn còn cao đối với đại bộ phận người tham gia. Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 26.000.000 đồng). Do đó, mức đóng hàng tháng hiện nay thấp nhất là 154.000 đồng, cao nhất là 5.722.000 đồng. Với mức đóng này, nhiều người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh rất khó khăn trong việc tham gia. Một khó khăn nữa là thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng BHXH là 20 năm, khá dài.

Phó Giám đốc BHXH Gia Lai Lê Quốc Khánh cho biết: “Để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Gia Lai đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện cho người lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục tập trung phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và tham gia. Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện; phấn đấu mỗi thôn, làng, tổ dân phố đều có nhân viên đại lý thu, hoặc điểm thu BHXH tự nguyện. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện đối với nhân viên đại lý thu để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân…”.

Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1-1-2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện cho các đối tượng sau: hỗ trợ 30% mức đóng với người thuộc diện hộ nghèo, 25% với người thuộc diện hộ cận nghèo, 10% với các đối tượng khác. Theo đó, mức hỗ trợ tiền đóng hàng tháng cho người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2018-2020 là 46.200 đồng/tháng với người nghèo, 38.500 đồng/tháng với người cận nghèo và 15.400 đồng/tháng với các đối tượng khác.

 Như Ý

Có thể bạn quan tâm