Khách hàng là “đối tác”, “người nhà”, thậm chí là “thượng đế”… Điều đó đang dần hiện rõ và trở thành văn hóa kinh doanh tại TP. Pleiku (Gia Lai).
Từ Cà phê “fast food”
Chỉ sau 5 phút gọi điện thoại, những ly cà phê “fast food” đã được mang tới, anh nhân viên nhanh chóng đặt bịch cà phê được đóng gói cẩn thận kèm những ly đá mát lạnh lên bàn... như chính Slogan của công ty này: “Dù chỉ 1 ly hay kể cả lúc trời mưa”... Và trước khi nhận tiền, cảm ơn ra về anh nhân viên không quên marketing kiểu truyền miệng: “Nếu ai cần thì giới thiệu giùm em” kèm theo vài tờ rơi quảng cáo.
Với lối phục vụ này, công ty cà phê trên không những xem khách hàng là người tiêu dùng mà họ còn xem khách hàng chính là “một nhân viên tiếp thị”. Nhờ đó mà thương hiệu cà phê “fast food” này đã lan truyền nhanh chóng, đặc biệt là giới văn phòng, ít có thời gian lân la cà phê “cóc”.
Đến dịch vụ chăm sóc người bệnh
Khá tò mò trước lời giới thiệu về một dịch vụ mới xuất hiện ở TP. Pleiku: Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, sản phụ, người cao tuổi, chúng tôi đã có dịp ghé đến Công ty Dịch vụ Thiên An Phước (đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku).
Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện. Ảnh: Lê Lan |
Tiếp chúng tôi là nữ Giám đốc còn khá trẻ- cô Lê Thị Thiên Hương và ý tưởng kinh doanh này đến với cô không phải là câu chuyện tình cờ, mà nó còn là nguyện vọng của cô trong suốt 4 năm trời điều trị cánh tay phải bị liệt do một tai nạn, rồi người cha thân yêu của cô cũng bị bệnh phải nằm liệt một chỗ. Vừa chứng kiến vừa trải nghiệm cuộc sống khổ sở của người bệnh, khao khát được làm gì đó để giảm bớt nỗi đau cho người bệnh khiến cô quyết tâm từ bỏ công việc làm giảng viên tại Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh quay về Phố núi Pleiku để mở một dịch vụ mà theo cô đã không ít người gièm pha…
…Có thể với các thành phố lớn thì những cách kinh doanh này chẳng có gì mới lạ nhưng với Pleiku thì đây là hình thức kinh doanh khá mới mẻ. Đó là biểu hiện của một thành phố hiện đại, năng động và đang trên đà phát triển.
Lê Lan