Kinh tế

Vận tải liên vận quốc tế: Chật vật trong đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành vận tải do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động vận tải liên vận quốc tế cũng chịu tác động không nhỏ ở cả 2 lĩnh vực: vận tải hành khách và vận tải hàng hóa.
Do tác động bởi dịch Covid-19, hoạt động vận tải liên vận quốc tế giữa 3 nước Việt Nam-Campuchia-Lào buộc phải tạm dừng đối với lĩnh vực vận tải khách nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Trong thời gian tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp (DN) không có nguồn thu buộc phải tìm cách cân đối để hỗ trợ nhân viên, tài xế duy trì cuộc sống. Nhiều lao động buộc phải tìm kiếm công việc khác. Ông Trương Minh Cảnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảnh Quang Gia Lai-cho hay: “Tròn 15 tháng, chúng tôi ngừng hoạt động vận tải khách liên vận Việt Nam-Lào. Tất cả phương tiện đều nằm yên. Một số tài xế, nhân viên phải tìm công việc khác để có thu nhập lo cho gia đình”.
Không dừng hẳn như vận tải khách, hoạt động vận tải hàng hóa liên vận quốc tế Việt Nam-Campuchia-Lào vẫn được duy trì và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng-chống dịch Covid-19. Để thực hiện quy định này, doanh nghiệp phải bố trí 2 nhóm tài xế, nhân viên tại 2 đầu cửa khẩu Việt Nam-Lào. Trong đó, nhóm làm việc tại Lào sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển trên lãnh thổ Lào; khi phương tiện thông quan hàng hóa, tài xế phía Việt Nam sẽ nhận phương tiện và điều khiển chạy nối tiếp đưa hàng đến các địa điểm giao nhận trong nước. “Chúng tôi phải tăng gần gấp đôi số lượng tài xế, nhân viên để đảm bảo thực hiện đổi tài tại cửa khẩu. Bình thường chúng tôi hợp đồng 35 tài xế thì nay phải bố trí 30 tài xế ở mỗi nước. Chưa kể tài xế làm việc và ở lại bên Lào thì đơn vị phải trả lương cao hơn vì họ phải đi làm xa nhà, cộng với chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa 2 nước, cùng là mức lương 10 triệu đồng/tháng nhưng tiền kíp của Lào trị giá quy đổi cao hơn khoảng 2,4 lần so với tiền đồng. Chi phí nhiên liệu giai đoạn vừa rồi cũng tăng liên tục, chưa kể áp lực từ chi trả các khoản vốn vay hoạt động. Trong khi đó, DN ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với đối tác, không thể đàm phán điều chỉnh đơn giá vận chuyển”-ông Cảnh chia sẻ. Cũng theo ông Cảnh, lợi nhuận DN giảm khoảng 40% so với trước đây. Nhiều chuyến đơn vị phải bù lỗ.
Xe khách chạy tuyến Gia Lai-Attapeu (Lào) tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Lê Hòa
Xe khách chạy tuyến Gia Lai-Attapeu (Lào) tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Lê Hòa
Song, điều ông Cảnh mong mỏi nhất chính là việc đội ngũ tài xế, nhân viên trực tiếp tham gia vận tải liên vận quốc tế sớm được tiêm vắc xin phòng Covid-19. “Khi có “hộ chiếu vắc xin”, việc tài xế qua lại giữa các nước sẽ thuận lợi hơn, tăng khả năng kiểm soát dịch bệnh thông qua hoạt động xuất-nhập khẩu, đồng thời DN tiết giảm được một lượng lớn chi phí nhân công, người lao động cũng an tâm hơn”-ông Cảnh bày tỏ.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Đạt-Giám đốc DN tư nhân Đạt Hiền (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cho biết: Đơn vị hiện có 7 phương tiện vận tải hàng hóa liên vận quốc tế Việt Nam-Lào. Để thực hiện việc đổi tài, DN đã phải gia tăng gấp đôi số lượng tài xế. Tuy vậy, vẫn không tránh khỏi nhiều tình huống bị động, khó cân đối xe ở 2 đầu. “Mình hoạt động dựa theo nhu cầu vận chuyển hàng của đối tác. Có lúc cần cả 5-6 xe qua Lào để đón hàng nhưng tài xế bên ấy chỉ có 4 người. Khi đưa về Việt Nam cũng vậy, DN rất bị động. Chúng tôi mong muốn đội ngũ tài xế hoạt động trên các tuyến liên vận sớm được xem xét ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19”-ông Đạt bày tỏ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam-Campuchia với 69 phương tiện. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấp giấy phép hoạt động vận tải quốc tế Việt Nam-Lào cho 64 đơn vị với số lượng là 520 phương tiện.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm