Sáng nay (5/11), tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các văn kiện liên quan.
Hầu hết ý kiến các đại biểu cho rằng, việc phê chuẩn Hiệp định là quyết định chính trị quan trọng, khẳng định Việt Nam chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực trong nước, đồng thời nâng cao vị thế và khả năng ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đồng thời thúc đẩy đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do khác.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Nhất trí cao với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, việc tham gia Hiệp định này sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở khu vực Châu Mỹ, tăng cường mối liên hệ "cộng hưởng" với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng.
CPTPP là cơ hội để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và tạo thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế và đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, từ đó bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn bày tỏ sự lo lắng về những thách thức mà CPTPP mang lại: "Bài học về việc thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương (FTA) đã cho thấy rõ điều này. Các FTA từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng gần 40%, chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài FDI. Hơn 60% lợi ích còn lại, vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt Nam" - ĐB Vũ Tiến Lộc nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng vào CPTPP cần nhớ bài học về các FTA đã ký. |
Cũng theo ĐB Vũ Tiến Lộc, việc ký kết và phê chuẩn CPTPP là quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước nhưng việc quan trọng hơn, đó là phải xây dựng các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể thực hiện thành công các cơ hội mở ra.
Mặc dù khẳng định tham gia Hiệp định CPTPP có nhiều cơ hội với Việt Nam nhưng nhiều đại biểu cho rằng thách thức cũng rất lớn. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, tạo sao các nước lại mời Việt Nam tham gia vào Hiệp định này trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ hơn 2.000 USD?
Đại biểu phân tích, nguyên nhân do các nước này đã thấy được tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất mà các nước nhìn thấy tiềm năng là dân số của Việt Nam lên tới 95 triệu, đồng nghĩa với thị trường tiêu thụ cũng rất lớn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam.
"Chính phủ cần tiếp tục đánh giá để biến thách thức thành cơ hội. Nếu không tận dụng được cơ hội thì nhập khẩu của Việt Nam có nguy cơ cao hơn xuất khẩu. Vì vậy các biện pháp phòng vệ thương mại cần được đưa ra để tránh nhập siêu như đã xảy ra khi Việt Nam gia nhập WTO. Cũng lưu ý, do đây là thị trường khó tính vì thu nhập bình quân trên 30.000 USD/người/năm nên sản phẩm giá rẻ không thể đi vào khu vực này" - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, tạo sao các nước lại mời Việt Nam tham gia vào Hiệp định này trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ hơn 2.000 USD? |
So sánh 10 mặt hàng chủ đạo với các nước trong Hiệp định, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết Việt Nam đang xếp nhóm thấp nhất. Những mặt hàng được đánh giá có lợi thế lớn nhất như dệt may, giày da, đồ gỗ thì Việt Nam cũng đứng xếp hạng thứ 3. Nhóm đồ gia dụng xếp thứ 5, mỹ phầm xếp thứ 6.
Đáng chú ý rau quả, cà phê, hồ tiêu, thịt xếp rất thấp. Những mặt hàng kém cạnh tranh Việt Nam đang đứng gần như “đội sổ” ví dụ mặt hàng mỹ phẩm đứng thứ 11; Văn phòng phẩm, phim ảnh đứng thứ 9; điện, điện tử, vi tính đứng thứ 7.
Liên quan đến vấn đề lao động, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, qua rà soát các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt trong lao động đã cơ bản phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế và cam kết của Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định pháp luật về quan hệ lao động còn nhiều khó khăn.
"Để thực thi nghiêm túc các cam kết của hiệp định CPTPP, Chính phủ sẽ phải dự liệu những khó khăn đối với việc tăng cường giảm thiểu lao động trẻ em trong bối cảnh lao động nước ta chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, lao động trong khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ trọng lao động trẻ em lớn. Việc sử dụng lao động trẻ em trong nông nghiệp và hoạt động dịch vụ còn khá phổ biến, đây là vấn đề cần được xem xét và rà soát để điều chỉnh và sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp" - ĐB Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Theo ước tính, tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động. |
Thiên Hương (Dân Việt)