Pháp luật

Tin tức

Vay 5 triệu đồng trả gấp 20 lần vẫn chưa hết nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đọc những thông tin quảng cáo “bùi tai” từ những ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động (App vay tiền), không ít người dân đã “dính bẫy” và rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần bủa vây.

Hai đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” bị cơ quan CA tỉnh Bình Định bắt giữ.



Giữa tháng 6-2020, chị Trần Thị Hoa ở một xã ven biển của H. Phù Mỹ (Bình Định) tìm đến một người quen ở TP Quy Nhơn (Bình Định) nhờ cậy tư vấn giúp ''thoát'' khỏi bẫy nợ của App vay tiền. Theo lời chị Hoa, cách đây không lâu, chị liên tục nhận được thông tin cho vay tiền qua App được gửi vào ĐTDĐ của mình. Nhân một lần cần tiền giải quyết một số việc đột xuất nên chị nghĩ đến chuyện vay tiền qua App. Lúc đó chị Hoa chỉ nghĩ việc vay tiền qua App thủ tục đơn giản, giải ngân rất nhanh chóng, lãi tuy cao nhưng chỉ vay vài triệu đồng sẽ nhanh chóng trả hết nợ. Vì vậy chị Hoa liều vay nhưng nào ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, lãi mẹ đẻ lãi con, trả mãi không hết…

Chị Hoa kể, khi hỏi vay 5 triệu đồng thông qua App vay tiền nhưng chỉ được giải ngân 3,5 triệu đồng, dù phải trả lãi cho 5 triệu đồng. Trong vòng 1 tháng, chị phải trả cả gốc lẫn lãi 5,5 triệu đồng, như vậy thực chất chị Hoa phải trả lãi đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, do không kịp chạy tiền trả nợ, chị Hoa bị nhân viên của bên cho vay tiền điện thoại hăm dọa rồi sau đó ''giúp'' chị tiếp tục vay tiền từ một App khác để trả cho khoản vay trước đó. Cứ thế, từ số tiền thực nhận là 3,5 triệu đồng ban đầu, chỉ sau 6 tháng, số tiền gốc và lãi mà chị Hoa nợ các App lên đến hơn trăm triệu đồng. Không có tiền trả nợ, chị Hoa phải đi vay ''nóng'' để trả dần cho App. Cứ thế, sau một thời gian, chị bỗng lâm cảnh ''1 cổ 2 tròng'', không biết tháo gỡ thế nào, mà lãi thì trả mãi không dứt.

Khi được hỏi tại sao chị không tố cáo việc bị lừa vay tiền với lãi suất ''cắt cổ'' đến cơ quan Công an, chị Hoa tâm sự, do sợ bị các đối tượng bêu rếu thông tin cá nhân của mình đến những người thân, người quen, sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình nên cứ cố trả nợ để rồi lâm cảnh như ngày hôm nay.



 

Cơ quan CA tạm giữ nhiều hồ sơ liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”.



Hỏi ra được biết, trong thủ tục hết sức ''đơn giản, gọn nhẹ'' của App vay tiền, có điều khoản là người vay phải chụp một tấm ảnh kèm với CMND gửi kèm; đồng thời cho phép được truy cập danh bạ điện thoại, danh bạ của các tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook. Vì một lúc chủ quan, không lường được hậu quả sẽ như thế nào nên khi đó chị Hoa đã đồng ý với các điều khoản đó. Những lần đầu, khi chưa kịp trả lãi vay, nhân viên của App liền giở giọng, đe dọa kiểu giang hồ và cho biết sẽ thông báo cho tất cả những người quen của chị Hoa biết về việc chị vay tiền mà quỵt kiểu như lừa đảo. Sợ quá, chị Hoa đành chạy vạy mọi cách để trả nợ cho đến khi không thể chịu đựng nữa mới đành tìm đến người quen để nhờ giúp đỡ cách giải quyết.

Theo lời tư vấn của người quen, chị Hoa không tiếp tục trả nợ nữa đồng thời hủy số điện thoại của mình để cắt đứt liên lạc với nhân viên App vay tiền, chấp nhận đối tượng sẽ điện thoại đến những người thân quen nói về việc vay nợ. Cách trên chỉ trốn được vài ngày, sau đó, trên Facebook, Zalo của những người thân chị Hoa và bất kỳ ai có trong danh bạ của chị xuất hiện hình ảnh chị Hoa cầm CMND đính kèm thông tin: “Đây là kẻ lừa đảo”.

Không chỉ thế, lần lượt một số người thân trong gia đình chị Hoa cũng bắt đầu được các đối tượng đính kèm thêm trong bảng thông tin lừa đảo mà nhân viên của App vay tiền (lúc này đã lộ mặt thật là những kẻ bặm trợn, giang hồ) liên tục đăng tải trên mạng xã hội. Các đối tượng này tuyên bố nếu không trả nợ thì sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp như thế và sẽ có cách khác (có thể là bạo lực) để thu hồi nợ.

Qua sự việc trên, mọi người nên cẩn trọng với những App vay tiền qua mạng xã hội, tránh hậu quả đáng tiếc.

 

Theo LÊ GIANG (cadn)

Có thể bạn quan tâm