Kinh tế

Tài chính

Vay tiền qua app: Bên vay và cho vay cũng có ba, bảy đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Đa phần các app cho vay P2P từ nước ngoài vào Việt Nam đang biến tướng thành tín dụng đen cho vay nặng lãi. Ảnh: Thế Lâm
Thực trạng vay tiền qua app hay cho vay qua app tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra không lành mạnh, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy cho các cá nhân, người thân, gia đình của họ cũng như xã hội. Bên cho vay và cả bên vay cũng có ba, bảy đường cho nên tình hình càng trở nên phức tạp.
Bên cho vay biến tướng
Theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Công ty NextTech, trên thị trường cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending, viết tắt là P2P) tại Việt Nam hiện nay (còn hay được gọi nôm na trên thị trường là cho vay online, cho vay qua app, app cho vay – PV), chỉ có một số ít app của doanh nghiệp Việt Nam là làm P2P thực sự, còn lại đa phần là các app đến từ Trung Quốc, đội lốt P2P để cho vay nặng lãi.
“Nguồn vốn vay từ những app này là từ cá nhân tự cho vay. Điều này không đúng với P2P là kết nối giữa bên vay và bên cho vay, và cũng là vi phạm”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Võ Trần Đình Hiếu – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Fintech TPHCM, nguồn vốn vay từ những app tín dụng đen cho vay nặng lãi đến từ nước ngoài “là khá lấp liếm”, không thể kiểm soát và cũng không có tính minh bạch.
Ông Hiếu cho rằng, sự biến tướng đang diễn ra phức tạp của các app cho vay đến từ nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Fintech Việt Nam, từ đó tác động khiến cho các ứng dụng cho vay ngang hàng thực sự của doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động nguồn tiền từ các cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội để đáp ứng nhu cầu của người vay.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, khi các đối tượng lợi dụng thị trường P2P để làm loạn, chúng có thể lợi dụng những người mang nợ lãi suất cao để khống chế, ép buộc họ làm những việc không chỉ gây ảnh hưởng đến xã hội, thậm chí có thể làm những việc bất lợi cho an ninh quốc gia.
Nhiều người vay tiền qua app “nhắm mắt đưa chân”
Đa phần những người vay tiền qua app thuộc dạng vay nóng khi gặp tình huống khó khăn cần tiền gấp để giải quyết, sau đó vì túng thiếu không kịp trả nợ với lãi suất quá cao lãi mẹ chồng lãi con, cuối cùng mất khả năng trả nợ.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hòa Bình, nói đi cũng phải nói lại, không ít người vay tiền qua app cũng có lỗi khi để xảy ra việc thiếu nợ mất khả năng chi trả hoặc trả không đúng thời hạn. Những lỗi hay mắc phải từ phía người vay là không chịu đọc và tìm hiểu kỹ các quy định về lãi suất, các loại phí, tiến độ trả nợ và mức phạt khi chậm trả nợ, từ đó dễ dàng sa bẫy các app cho vay nặng lãi.
 
Một số nhóm “bùng nợ” tiền vay qua app trên Facebook. Ảnh chụp màn hình
Đối với những người đã vay được tiền thì không có kế hoạch hay một kỷ luật tài chính tốt dẫn đến tiến độ trả nợ không đúng hạn gây ra tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con lên đến vài trăm phần trăm một năm.
Ông Võ Trần Đình Hiếu cho biết, trên thực tế cũng không ít người vay theo kiểu “nhắm mắt đưa chân” dù biết rằng sẽ vướng vào tình trạng nợ chồng nợ do khó có thể trả được nợ đúng hạn.
Nhưng những người này, lợi dụng những hành vi đòi nợ phản cảm của chủ nợ bị dư luận lên án, khi không trả nợ được thì cầu cứu đến công luận, cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Ông Bình thông tin thêm, hiện trên Facebook có không ít các nhóm chuyên chia sẻ cách thức, kinh nghiệm “bùng nợ”  như “Hội bùng tiền app vay online”, “hội bùng app vay tiền” với số thành viên lên đến hàng chục ngàn.
Trong đó, có những con nợ đã không trả nợ đúng hạn nhưng còn thách thức chủ nợ.
THẾ LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm