Kinh tế

Tài chính

VDB lỗ nặng 4.873 tỉ đồng, nguy cơ mất vốn ở nhiều khoản nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không chỉ có kết quả hoạt động bết bát với lỗ lũy kế đến 31.12.2018 là 4.873 tỉ đồng, VDB còn có nhiều khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ mất vốn nhà nước.
 
VDB có kết quả hoạt động hết sức bết bát. ẢNH TIÊU PHONG
Cơ quan An ninh điều tra đã xem xét 2 vụ việc liên quan tới VDB
Kiểm toán Nhà nước vừa cho biết, qua kiểm toán Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay không đúng quy định.
Đối với 2 trong số các vụ việc trên đây, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có văn bản số 1298/ANĐT-P4 thông báo việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện nhiều vấn đề khác của VDB, kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân liên quan.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của VDB rất cao, tại thời điểm 31.12.2018 chiếm 17,2% tổng dư nợ.
Liên quan đến khoản vay của Công ty CP Tập đoàn Thái Hoà Việt Nam đã được chuyển Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước kết luận, Sở Giao dịch 1 - VDB giải ngân cho vay chưa chặt chẽ. Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hoá giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn và không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.
Nợ khó có khả năng thu hồi tại 31.12.2018 của Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa là 337,1 tỉ đồng.
VDB cũng đầu tư tài chính không hiệu quả khi góp 3.690 tỉ đồng vào Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam để đầu tư Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng dự án chưa cân đối được dòng tiền, VDB không thu được lợi nhuận kể từ khi góp vốn năm 2007.
Đến 31.12.2018, trong có 54 dự án cho vay lại được thực hiện từ trước năm 2010 quá hạn thì ủy thác qua VDB chiếm 43 dự án, BIDV 8 dự án, VCB 3 dự án, với dư nợ là 5.122 tỉ đồng trong đó các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán là 3.551,68 tỉ đồng.
Trong 10 tổ chức tín dụng được kiểm toán báo cáo tài chính, năm 2018, chỉ có VDB lỗ 866 tỉ đồng. Lỗ lũy kế đến 31.12.2018 là 4.873 tỉ đồng.
Nhiều tập thể, cá nhân bị đề nghị xem xét trách nhiệm
Với kết quả này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu và ban hành văn bản chỉ đạo số 1791/NHPT-TDXK ngày 26.5.2011 của VDB về việc cho vay Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam.
Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân thẩm định, phê duyệt, quyết định cho vay đối với 5 khoản vay tín dụng rủi ro cao.
Thứ nhất là khoản vay tín dụng đầu tư đóng mới tàu biển chở hàng khô chạy tuyến quốc tế trọng tải 12.500 tấn của Công ty CP Vận tải biển Anh Tú, dự án có hiệu quả tài chính thấp và có khả năng rủi ro trong việc hoàn trả vốn, dẫn đến phát sinh nợ quá hạn và không trả được nợ cho VDB.
Thứ hai là khoản vay cho dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 của Công ty CP DAP số 2 - Vinachem, dự án có hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc thu hồi nợ và lãi vay.
Thứ ba là khoản vay của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội của Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G khi dự án hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc thu hồi nợ gốc và lãi vay.
Thứ năm là khoản vay của dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn u rê/ngày, khi dự án còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính chính xác, kết quả tính toán chưa đảm bảo độ tin cậy, dự án có độ nhạy tương đối cao dẫn đến không thu hồi được nợ gốc và lãi khi đến hạn.
Thứ năm là khoản vay tín dụng đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty CP Phát triển Xây dựng Phương Thảo phát sinh nợ quá hạn và khó khăn trong trả nợ vay cho VDB.
VDB cũng được đề nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến 3 khoản nợ có nguy cơ mất vốn nhà nước.
Thứ nhất là việc thẩm định, trình, phê duyệt quyết định cho vay, công tác giám sát tình hình sử dụng vốn vay đối với khoản cho vay tín dụng xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam tiềm ẩn mất vốn nhà nước.
Thứ hai là việc thẩm định, trình, phê duyệt, phát hành chứng thư bảo lãnh, trong công tác kiểm tra, giám sát khoản vay đối với Công ty CP Thương mại và dịch vụ quốc tế An Thịnh, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng, dẫn đến VDB phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay và khó có khả năng thu hồi, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn nhà nước.
Thứ ba là việc thẩm định, trình, phê duyệt, phát hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Datex vay vốn ngân hàng thương mại thực hiện đầu tư dự án khi hồ sơ vay vốn chưa đầy đủ, còn nhiều sai sót, bất hợp lý, dẫn đến rủi ro tiềm ẩn đối với VDB trong việc phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho đơn vị này.
Ngoài phần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân nêu trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần chấn chỉnh, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại sai phạm đã nêu tại báo cáo kiểm toán.
2 dự án tại Hà Nội bị chuyển cơ quan điều tra
Qua kiểm toán năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỉ đồng; chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay không đúng quy định thông qua hoạt động kiểm toán tại VDB.
Chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm quy định của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội liên quan đến việc quản lý, sử dụng 2.927 m2 tại BTL 0146 ở P.Cổ Nhuế 2, Q.Bắc Từ Liêm thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán, văn phòng cho thuê kết hợp dịch vụ thương mại; và Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Thủy (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội chiếm 51% vốn điều lệ) về việc quản lý, sử dụng khu đất 5.644 m2 tại bán đảo hồ Đống Đa, P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội.
Vũ Hân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm