(GLO)- Nhân dịp ghé thăm làng Tao A (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh), chúng tôi có dịp được biết thêm những câu chuyện đầy huyền bí, thú vị xung quanh “Vua nước” (Pơtao Ia)-nhân vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng đa thần của đồng bào Jrai.
Ông Kpă Măng (SN 1958) đón tiếp chúng tôi đầy nồng hậu trong ngôi nhà sàn khá khang trang, vững chãi. Sau khi trải chiếu mời khách ngồi, ông Măng liền đứng dậy vào gian trong, mở tủ lấy ra một quyển sổ tay nhỏ đã cũ có ghi đầy đủ thông tin của từng đời “Vua nước” cùng một cuốn album có chụp hình vị “Vua nước” cuối cùng. Rồi bằng vốn tiếng Kinh rành rẽ của một ông giáo già về hưu, ông Măng chậm rãi kể cho chúng tôi truyền thuyết về các đời “Vua nước”.
Ông Măng cùng bộ đồ dùng để đựng nước trong các dịp cúng lễ của “Vua nước”. Ảnh: P.L |
Cũng giống như “Vua lửa” (Pơtao Apui) ở vùng Cheo Reo, “Vua nước” ở phía Tây Bắc Cheo Reo theo tương truyền là một người được Yang Ia (thần nước) lựa chọn làm cầu nối để cai quản dân làng. “Vua nước” đầu tiên là người Chăm, sau này vương miện được trao cho dòng họ Rơ Châm người Jrai. “Chỉ những người mang họ Rơ Châm mới được lên làm “Vua nước” mà thôi. Và cũng chỉ những người con gái họ Siu mới được làm vợ “Vua nước”-ông Măng nhấn mạnh.
Theo ông Măng, từ trước đến nay, dòng họ Rơ Châm đã làm “Vua nước” được 7 đời là Rơ Châm Kép (1425-1426), Rơ Châm Nhơn (1501-1571), Rơ Châm Bring (1576-1646), Rơ Châm Dăi (1651-1719), Rơ Châm Guh (1724-1795), Rơ Châm Nhoak (1800-1870), Rơ Châm Bo (1897-1955). Ông Măng cho biết, nhân dân trong vùng cho đến bây giờ vẫn còn truyền tai nhau về lễ hỏa táng cực kỳ long trọng của vị “Vua nước” đời thứ 7. “Giữa một khu đất rộng, dân làng chất lên 7 lớp củi cao ngất rồi đặt xác của vua lên trên và đốt lửa. Sau khi hỏa thiêu xong, dân làng lấy tro cốt của vua bỏ vào một chiếc bình bạc rồi chôn dưới một ngôi nhà mồ to đẹp vô cùng. Khi đó, theo nghi thức tang ma của người Jrai, người từ khắp nơi tập trung về mổ hàng ngàn trâu bò cúng tế cho vua, đánh cồng chiêng và múa xoang, cứ thế trầm bổng suốt nhiều ngày đêm tiếc thương cho vị vua của buôn làng”-ông Măng thuật lại.
Ông Măng lại trở vào bên trong, lấy ra cho chúng tôi xem một chiếc chén đồng và một chiếc đĩa sứ màu trắng. “Đây là bộ đồ dùng để đựng nước trong các dịp cúng lễ của “Vua nước”. Bây giờ, dòng họ Rơ Châm vẫn giữ một bộ chén đĩa như thế này. Tài sản của “Vua nước” đời thứ 7 để lại còn có một thanh gươm thần được cất giấu ở rừng sâu, chỉ có vua và người giúp việc biết”-ông Măng cho biết.
Giống như “Vua lửa”, “Vua nước” có vị trí rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Jrai. Vì là cấu nối giữa nhân gian và các vị thần linh nên “Vua nước” là người cúng tế, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng ấm no, khỏe mạnh. Ông Măng chia sẻ: “Nếu trời hạn, thì vua cũng cầu cho trời mưa xuống và ngược lại. Ngoài ra, trong làng có người đau ốm cũng đến vua để cúng. Tùy vào mỗi người, mỗi loại bệnh mà vật cúng tế cũng khác nhau, thường là ghè rượu, thịt heo hoặc con gà, thậm chí là trâu, bò…”. Ngoài việc cúng tế, các vị “Vua nước” không làm bất cứ việc gì khác. Nhân dân trong phạm vị chịu ảnh hưởng của “Vua nước” sẽ tự nguyện đến dựng nhà cửa cũng như lao động sản xuất để nuôi vua.
Trên thực tế, theo ông Măng đã có vị Vua nước đời thứ 8 là Rơ Châm Chuch (SN 1973), nhưng do người này không thực hiện đúng luật lệ, phép tắc của một vị vua dẫn tới bị tâm thần nên dân làng đã tổ chức cúng hóa giải, không để làm vua nữa từ năm 1994. Bây giờ, ông Siu Lol-cha vợ của ông Măng trở thành người cúng thay thế cho “Vua nước” và ông Măng là người giúp việc cho cha vợ mình.
Bây giờ, dù đời sống của cộng đồng người Jrai ở khu vực mà “Vua nước” từng trị vì đã đổi khác rất nhiều, tín ngưỡng đa thần cũng không còn thịnh như trước song việc cúng tế vẫn là một phần rất quan trọng. Và dù “Vua nước” không còn nữa nhưng những câu chuyện về nhân vật này sẽ vẫn còn mãi…
Phương Linh